
Trở lại vùng quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) sau tết, không khí không còn nhộn nhịp, tất bật như những ngày trước tết. Năm nay, ở đây có vẻ trầm lắng hơn do mức tiêu thụ của thị trường chậm so với những năm trước.
Treo hàng đợi giá để rồi… mất giá

Rút kinh nghiệm những năm trước, quýt thường bị đụng hàng dội chợ vào những ngày giáp tết, năm nay nhiều nhà vườn, thương lái ở Lai Vung “treo” quýt để bán vào những ngày sau tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung nên lượng quýt tiêu thụ sau tết vẫn bị chậm. Tính đến ngày mùng 10 Tết, lượng quýt tồn trên cây của huyện Lai Vung còn khoảng 3.000 tấn, giá cả sau tết cũng không nhích lên là bao.
Anh Nguyễn Văn Ven (Sáu Ven), ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước có 16.000m2 quýt hồng, sản lượng khoảng 100 tấn, trước tết thương lái đã đặt cọc với giá 8.600đ/kg nhưng do thị trường tiêu thụ chậm, vườn quýt phải treo lại sau rằm tháng giêng mới thu hoạch, anh phải giảm giá cho thương lái còn 8.000đ/kg.
Mức tiêu thụ ít, thị trường lại rất kén chọn. Tại các chợ TPHCM chỉ các loại quýt đẹp mới dễ tiêu thụ và có giá cao. Để tiêu thụ bớt lượng quýt tồn đọng, nhiều nhà vườn, thương lái tìm thị trường mới ở các tỉnh, tránh tập trung số lượng lớn vào TPHCM. Anh Lê Ngọc Bích, một chủ vườn, cho biết, để thu hồi vốn nhanh anh đã hái các loại quýt xấu tiêu thụ trước ở các chợ vườn. Còn các loại quýt đẹp, ngoài chợ đầu mối trái cây Tam Bình (Thủ Đức), anh còn bỏ mối cho các chợ khác trong thành phố và các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mặc dù chi phí vận chuyển có cao nhưng bù lại giá bán cao hơn từ 1.000 - 2.000đ/kg và điều quan trọng là bán được hàng. Với giá cả như hiện nay, nhiều nhà vườn, thương lái bị thua lỗ. Nhiều đại lý vật tư, thuốc bảo vệ thực vật cho biết, hằng năm sau khi bán quýt, các nhà vườn đều thanh toán đầy đủ tiền vật tư đã ứng trước nhưng năm nay họ chỉ mới trả được 50% tiền nợ. Với tình cảnh này, các nhà vườn sẽ thiếu vốn để đầu tư cho vụ mới, vì nợ cũ chưa trả thì khó mua tiếp vật tư để đầu tư cho vụ sau.
Điệp khúc cũ
Không chỉ riêng mặt hàng gạo, cá tra, mà hiện nay quýt hồng cũng đang rơi vào trình trạng trúng mùa mất giá, được giá mất mùa. Đó là điệp khúc muôn thuở của các mặt hàng nông sản nước ta thời gian qua. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, tuy nhiên đến nay các giải pháp này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ở phạm vi địa phương, chính quyền, các ngành cũng đã đề ra nhiều giải pháp giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, các nhà vườn Lai Vung mong muốn có một tổ chức đứng ra cầm chịch giúp nông dân tìm kiếm, cũng như điều tiết thị trường, tránh phá giá lẫn nhau.
Để thực hiện được điều này, một trong những việc cần làm trước mắt là xây dựng các kho lạnh giúp nhà vườn bảo quản quýt để kéo dài thời gian bán, đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu nhằm tìm đầu ra ổn định. Để làm được điều này, theo nhiều người am hiểu, mô hình hợp tác xã cần được sớm xây dựng.
Toàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có 1.428ha quýt, trong đó có 1.127ha quýt hồng đang cho trái, năng suất đạt 30 - 32 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 35.000 tấn. Mặc dù năng suất năm nay đạt khá, tỷ lệ quýt đẹp cao nhưng giá bán chỉ bằng hoặc thấp hơn năm rồi. Trung bình giá bán tại vườn từ 7.000 - 8.000đ/kg, có thời điểm lên đến 9.000 - 10.000đ/kg nhưng rất hiếm. Anh Lê Ngọc Bích ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước - một nhà vườn đồng thời cũng là thương lái cho biết, năm nay do chịu ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế nên sức mua của người dân ít, bên cạnh đó quýt Trung Quốc mà người tiêu dùng lầm tưởng là quýt Thái lại tràn ngập thị trường, giá rẻ làm ảnh hưởng đến giá cả và sức tiêu thụ của quýt hồng. |
HỒNG NGỰ (SGGP 12G)