Sẽ có thành phố hoa vàng giữa đại ngàn Trường Sơn

Đăk Nông là một trong 3 tỉnh được thành lập sau cùng trong cả nước, được chia tách vào đầu năm 2004 từ tỉnh Đăk Lăk, trước kia là tỉnh Quảng Đức. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là chiến trường ác liệt của Khu 6 cũ và là đường hành lang điểm nối, nơi bắt liên lạc, nối thông đầu tiên của đường Trường Sơn lịch sử ngay từ những ngày đầu. Trong dịp BTC Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đến Đăk Nông khảo sát địa điểm xây dựng các công trình tài trợ của chương trình mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông, về vùng cao nguyên M’nông thơ mộng, quyến rũ và nhiều tiềm năng này.
Sẽ có thành phố hoa vàng giữa đại ngàn Trường Sơn

Đăk Nông là một trong 3 tỉnh được thành lập sau cùng trong cả nước, được chia tách vào đầu năm 2004 từ tỉnh Đăk Lăk, trước kia là tỉnh Quảng Đức. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là chiến trường ác liệt của Khu 6 cũ và là đường hành lang điểm nối, nơi bắt liên lạc, nối thông đầu tiên của đường Trường Sơn lịch sử ngay từ những ngày đầu. Trong dịp BTC Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đến Đăk Nông khảo sát địa điểm xây dựng các công trình tài trợ của chương trình mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông, về vùng cao nguyên M’nông thơ mộng, quyến rũ và nhiều tiềm năng này.

Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sẽ là đô thị sinh thái trong tương lai.

Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sẽ là đô thị sinh thái trong tương lai.

- Xin đồng chí cho biết những thế mạnh của Đăk Nông đã được khai thác, phát huy như thế nào trong thời gian qua, nhất là trong năm vừa qua?

Đồng chí TRẦN QUỐC HUY: Đăk Nông có 5 điểm nổi bật về tiềm năng, lợi thế: giàu tài nguyên; đẹp; khí hậu mát mẻ ôn hòa; đa dạng văn hóa và đặc sắc văn hóa M’nông; giao thông thuận lợi. Về tài nguyên khoáng sản, có nhiều loại, riêng bôxit có trữ lượng chiếm 2/3 cả nước, đứng thứ 3 thế giới, nếu khai thác có thể trên 100 năm; quỹ đất đỏ bazan có diện tích lớn và chất lượng cao, lượng nước mưa cao nhất vùng (7 - 8 tháng mưa/năm, trên 2.600 - 2.800mm/năm).

Đây cũng là nơi “bầu sinh thủy” của 2 hệ thống sông chảy về phía Đông (Đồng Nai) và chảy về phía Tây (Mekong - Campuchia) cung cấp nguồn nước mát quanh năm cho biển Đông (nguyên gốc nghĩa chữ Đăk là nước, noong là bầu, nên theo tiếng M’nông thì Đăk Nông nghĩa là “bầu nước” trên cao). Khí hậu ôn hòa với dao động nhiệt trong năm rất nhỏ, bình quân 22 - 25oC/năm. Ít có nơi nào trong nước ta lại có một cảnh quan núi đồi độc đáo như nơi đây, đồi bát úp thoai thoải, trải dài mênh mông, không gian thoáng đãng có thể phóng tầm mắt đến tận chân trời.

Ở đây không chỉ có nền văn hóa cao nguyên M’nông đặc sắc, quê hương của tù trưởng - thủ lĩnh N’Trang Lơng anh hùng của phong trào đánh Tây lừng lẫy Tây Nguyên mà còn được bổ sung bởi sự đa dạng sắc màu văn hóa của các dân tộc Tây Bắc như Tày, Nùng, Dao, H’mông… giao hòa thật phong phú và kỳ diệu. Quanh năm, người ta bắt gặp nhịp điệu dặt dìu, với sự quyến rũ của những bông hoa vàng thi nhau khoe sắc. Tháng 3, tháng 4 hoa muồng vàng trên nương rẫy cà phê. Tháng 8, tháng 9, tháng 10 hoa phượng vàng khắp núi đồi, phố thị Gia Nghĩa. Tháng 11, tháng 12 hoa dã quỳ vàng cả những lối nhỏ, đường quanh, thật là diệu kỳ, rạo rực lòng ai ghé thăm.

Và màu hoa vàng ấy đã vượt lên, nổi bật sắc hương giữa cái màu xanh của đại ngàn Tây Nguyên. Về giao thông, Đăk Nông nằm ngay trên quốc lộ 14, nối kết vùng thành phố Hồ Chí Minh chỉ cách hơn 200km, cách thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt về phía Đông hơn 100km với quốc lộ 28, cách thành phố Buôn Ma Thuột là thủ phủ Tây Nguyên 120km, có cửa khẩu BuPrăng sang tỉnh Mundulkiri, Campuchia 40km; độ tàn che của rừng 48%, đường giao thông đến xã 100%, thảm thực vật hỗn giao giữa phía Bắc và phía Nam rất đặc sắc và đa dạng.

- Nhiều lợi thế nhưng vì sao Đăk Nông hiện vẫn nghèo? Từ ngày chia tách, Đăk Nông đã làm được gì để cải thiện đời sống người dân, thưa đồng chí?

Đăk Nông đã có quy mô phát triển kinh tế tăng gấp 5 lần: năm 2004 thu ngân sách chỉ hơn 200 tỷ đồng, đến năm 2012 thu ngân sách lên 1.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 8 triệu đồng năm 2004 lên 27 triệu đồng/người/năm vào năm 2012. Riêng năm 2012 GDP tăng 12,35%, xóa đói giảm nghèo giảm 3%/năm, cơ bản xóa nhà dột nát, toàn tỉnh đạt phổ cập THCS.

Đã quy hoạch xong phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, phát triển đô thị, văn hóa; 100% xã quy hoạch xong phát triển nông thôn mới, hoàn thành quy hoạch mở rộng thị xã Gia Nghĩa đến năm 2030 tầm nhìn 2050, quy hoạch phát triển 39 buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi; cơ sở hạ tầng thiết yếu của tỉnh, trụ sở làm việc của cơ quan, bước đầu quy hoạch xong phát triển nông thôn mới và quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị hạt nhân. Một sự đổi thay thật sự kỳ diệu đối với nhiều cư dân sinh sống lâu đời ở đây. Thế nhưng, đúng là còn quá nhiều khó khăn, tồn tại.

- Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về những khó khăn?

Do mới chia tách, là tỉnh miền núi, di dân tự do, dân tộc thiểu số đông nên nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội còn rất yếu và thiếu. Cả tỉnh chỉ có 2 tiến sĩ, 140 thạc sĩ, đa số là cán bộ trẻ (có khoảng 80% với độ tuổi dưới 40). Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật yếu như giao thông, cơ sở đào tạo, xây dựng, y tế… còn thiếu nhiều. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, trình độ sản xuất kinh doanh hạn chế, lạc hậu; nghèo nàn về dịch vụ, thương mại. Quản lý và bảo vệ phát triển rừng, môi trường chưa có hiệu quả, hàng năm rừng bị phá với diện tích lớn, hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sa mạc hóa xảy ra ngày càng nhiều, nguy cơ đe dọa môi trường, mất cân bằng sinh thái, mất vai trò vùng nước đầu nguồn là rất lớn.

- Thực trạng này sẽ được giải quyết thế nào trong định hướng, mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2015?

Chúng tôi xác định mục tiêu tổng quát là “đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo, đến năm 2020 đạt mức phát triển trung bình của cả nước”. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định phải thực hiện “2 tập trung, 3 đột phá” như sau: “Hai tập trung” là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. “Ba đột phá” là công nghiệp khai khoáng, bôxít và thủy điện; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp; dịch vụ và du lịch. Đến nay tỉnh đã có 4 nghị quyết chuyên đề liên quan đến những vấn đề trên, ngoài ra còn có nghị quyết riêng về quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và môi trường. Sau 2 năm thực hiện các định hướng này đã gặp khó khăn khách quan do tình hình chung của thế giới và cả nước, có nhiều cản ngại.

Tuy kết quả chung có thể không đạt mức tăng trưởng như Nghị quyết Đại hội X đã nêu (trên 15%), nhưng đa số các chỉ tiêu tăng trưởng là có thể đạt được. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, đã có sự nhìn nhận xác thực hơn về những thiếu sót, yếu kém và có nỗ lực cao ở từng người, từng ngành để sửa chữa khắc phục, tính tự giác tốt hơn, đoàn kết được nâng cao hơn, đội ngũ cán bộ được xốc lại để tiếp tục đi tới.

- Điều tâm đắc nhất của đồng chí và những kỷ niệm ở vùng đất này?

Thời tuổi trẻ trong kháng chiến chống Mỹ tôi đã vinh dự là một người lính được bước qua vùng đất Tây Nguyên, là một phần của đường Trường Sơn anh hùng với biết bao là ký ức, nay lại không ngờ rằng sau gần 10 năm xa thành phố Hồ Chí Minh, xa gia đình lại được trở về làm nhiệm vụ tại Nam Tây Nguyên - Đăk Nông - Quảng Đức nghĩa tình và đầy tiềm năng. Tôi như trẻ lại hơn về cách nghĩ, cách làm, sống hết mình, sâu lắng hơn về tình cảm.

Nơi vùng đất mới này, tôi và nhiều người đã đem lòng yêu thương, mến mộ màu hoa phượng vàng của đất trời Gia Nghĩa, gửi gắm nơi đây biết bao tình yêu thương, trách nhiệm và sự cống hiến vô tư như những ngày của một thời tuổi trẻ trong phong trào Đoàn và công tác thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh của mình. Xin gửi những lời thân thương nhất đến những con người thành phố, bạn bè cũ trong dịp xuân về.

- Xin chân thành cám ơn đồng chí.

Hương Uyên thực hiện

Tin cùng chuyên mục