Tồn kho bất động sản giảm gần 4.300 tỷ đồng
Cụ thể, giá nhà ở trong năm 2016 và 9 tháng năm 2017 nhìn chung không có nhiều biến động. Tại Hà Nội và TPHCM, giá nhà ở trong khu vực nội đô tại một số dự án căn hộ trung cao cấp có tăng nhẹ, khoảng 3-5% so với năm 2015 (cá biệt có những dự án có mức tăng đến 10%).
Lượng giao dịch thành công năm 2016 và 9 tháng năm 2017 ổn định, chủ yếu tập trung ở phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp; lượng giao dịch căn hộ có diện tích vừa và nhỏ thấp, do nguồn cung khá hạn chế. Trong 9 tháng năm 2017, theo báo cáo của một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội có khoảng 10.550 giao dịch thành công (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước); tại TPHCM có khoảng 11.320 giao dịch thành công (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước).
Tính đến 20-9-2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 26.294 tỷ đồng, so với tháng 12-2016 giảm 4.279 tỷ đồng (giảm 15,24%); so với 20-8-2017 giảm 450 tỷ đồng.
Một tín hiệu đáng lưu ý khác, theo Bộ Xây dựng, là tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Cùng với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản, cơ cấu hàng hóa bất động sản cũng ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm. Trong đó, thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, tính đến tháng 8-2017, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 184 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 72.000 căn hộ, hiện nay đang tiếp tục triển khai 195 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 165.000 căn hộ.
Cảnh giác với sốt nóng và “bong bóng”
Bất chấp việc tình hình có những biến chuyển thuận lợi, Bộ chủ quản cảnh báo, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, tốc độ giảm tồn kho những tháng gần đây có chậm lại do phần lớn các dự án tồn kho nằm ở xa trung tâm, hạ tầng chưa có nên rất khó bán được hàng; nguồn cung nhà ở cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu rất nhiều so với yêu cầu; việc triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở vẫn còn chậm.
Thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như người dân khi tham gia thị trường. “Đã có dấu hiệu về đầu cơ, làm sai lệch thông tin thông qua khâu phân phối”, bản Báo cáo nhận định.
Công tác phát triển nhà ở xã hội tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu; một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp. Số lượng nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê còn rất hạn chế…
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng nêu rõ, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Bộ “đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ”.
Một giải pháp mạnh cũng được kiến nghị là công khai danh sách các dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ có vướng mắc về vấn đề pháp lý, có quyết định thu hồi dự án và thông tin về danh sách các chủ đầu tư có sai phạm, năng lực yếu kém để người dân mua nhà ở biết. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định; phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và bong bóng bất động sản.