Sẽ mạnh tay xử lý các video xấu, độc trên mạng

Bộ TT-TT xác định làm sạch thông tin mạng là nhiệm vụ trọng tâm, làm rất quyết liệt cả về thể chế, về công cụ quản lý. Đã có trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia, mỗi ngày có thể rà soát, phân tích để xử lý khoảng 300 triệu tin giả, tin xấu, độc.

Chiều 6-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều hành phiên chất vấn của Quốc hội.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày. Đây là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời vào cuối phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ĐBQH tập trung chất vấn vào các vấn đề đã được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ nhưng đến nay chưa giải quyết được.

Sẽ mạnh tay xử lý các video xấu, độc trên mạng ảnh 1 Phiên họp của Quốc hội ngày 6-11-2020. Ảnh: QUANG PHÚC

Về vấn đề quản lý báo chí, trả lời câu hỏi của ĐB Phan Thị Minh Hiền (Phú Yên), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức, phải bám theo tôn chỉ, mục đích. Điều này cũng giúp báo chí viết chuyên sâu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam, được luật định. Khi báo chí đi theo chuyên ngành của mình thì được phản ánh các vấn đề toàn diện, kể cả phản ánh về tham nhũng, tiêu cực không hạn chế.

“Có ý kiến cho rằng hoạt động theo tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng, tôi xin khẳng định điều này không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí. Tuy nhiên, còn một số trường hợp phóng viên không tác nghiệp đúng tôn chỉ mục đích thì sẽ phải xử lý vi phạm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Về tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tình trạng này rộ lên trong năm 2017, mỗi tuần có hàng chục vụ được phát hiện, đây là việc sai trái. Năm 2018, Bộ TT-TT đã có công cụ nhận diện các bài viết “sáng đăng, chiều gỡ”, hiện nay việc này đã giảm hẳn.

Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, hiện nay đó là vấn nạn toàn cầu, diễn ra nhiều trên mạng xã hội. Bộ TT-TT xác định làm sạch thông tin mạng là nhiệm vụ trọng tâm, làm rất quyết liệt cả về thể chế, về công cụ quản lý. Đã có trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia, mỗi ngày có thể rà soát, phân tích để xử lý khoảng 300 triệu tin giả, tin xấu, độc. Cùng với đó phối hợp với Facebook, Youtube để gỡ bỏ các thông tin xấu, độc.

Bộ đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube, các nền tảng này đã tăng mạnh số lượng tin giả được gỡ bỏ. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu, độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017; số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017. Từ đầu năm tới nay, Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả.

Sẽ mạnh tay xử lý các video xấu, độc trên mạng ảnh 2 Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn ĐBQH tại phiên chất vấn chiều 6-11-2020. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, năm 2021, Bộ tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả; ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, đó là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh, sử dụng một cách vô trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Bộ TT-TT đang phối hợp cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thu thuế các nền tảng xuyên biên giới, bởi hiện nhiều công ty lớn phát sinh doanh thu ở Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Quốc hội sửa đổi hình thức xử phạt cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đăng tin giả, thay vì phạt răn đe thì phạt theo doanh thu với các công ty xuyên biên giới, ví dụ khoảng 4% doanh thu.

ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) chất vấn về tình trạng tồn tại rất nhiều clip, địa chỉ Youtube có nội dung nhảm nhí, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của giới trẻ nhưng không bị xử lý.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng Youtube; có 350 kênh Youtube có hàng triệu người theo dõi, trong số đó có 15 kênh thu tiền ăn chia quảng cáo với Youtube.

Bộ trưởng Bộ TT-TT thừa nhận có nhiều video xấu độc trên mạng. Hiện đã đạt tỷ lệ tháo gỡ video xấu độc trên 50%; đã đạt thỏa thuận nếu Bộ TT-TT kết luận là video xấu độc thì Youtube không ăn chia tiền quảng cáo với kênh có video đó. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng Bộ TT-TT đề nghị tổ chức, người dân phát hiện video xấu độc thì báo tới đường dây nóng để xử lý. Tới đây, Bộ TT-TT sẽ phối hợp cùng Youtube để bảo đảm xử lý 100% video xấu độc. Năm 2021 sẽ có công cụ để phát hiện, xử lý video xấu độc, chắc chắn sẽ giảm được tình trạng này. Bên cạnh đó, sẽ ban hành quy định thế nào là một video vi phạm thuần phong mỹ tục… để dễ xử lý các vi phạm.

Tin cùng chuyên mục