Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL

Sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí

Ngày 1-6, trả lời về những vấn đề liên quan tới Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết,  trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với Bộ TT-TT, cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật Quảng cáo.

Trả lời cụ thể những vấn đề liên quan tới Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy nói rõ: Cụ thể hơn, đối với báo điện tử, Khoản 1 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định: “1. Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định sau: a) Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.

Căn cứ quy định trên, báo điện tử được bố trí phần quảng cáo ở khu vực cố định, riêng biệt, không lẫn vào nội dung tin bài. Đối với phần quảng cáo này, không có quy định hạn chế về thời lượng quảng cáo cũng như không phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.

 Đối với báo nói, báo hình, Điều 22 Luật Quảng cáo cũng có các quy định cụ thể: Thời lượng quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo; quy định về các chương trình không được phát sóng quảng cáo; quy định về số lần ngắt, thời gian quảng cáo trong chương trình phim truyện, vui chơi giải trí, quy định về vị trí, diện tích quảng cáo bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động sát phía dưới màn hình.

Giải đáp thắc mắc cho rằng nếu thực hiện Nghị định 38 về việc quy định thời gian tắt mở của quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử là 1,5 giây là giảm doanh thu quảng cáo, ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL lưu ý: Các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định (không gian, thời lượng) dành riêng cho quảng cáo, nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có vì vậy việc quy định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định, nhưng phải “đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”. Phải rất chú ý từ: “chủ động”- đó là quyền của độc giả vì nếu đang xem tin tức quan trọng họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không có khống chế thời gian. Như vậy, quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng có hai yêu cầu của người xem: một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Quy định trên đã có trong Luật Quảng cáo, vì vậy các báo điện tử đã phải thực hiện quy định đó trong thời gian gần 10 năm- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết. Hành vi, mức xử phạt cũng được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP trong suốt thời gian này, vì vậy, việc thực thi Nghị định số 38/2021/NĐ-CP không có tác động đến doanh thu của báo điện tử.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng nói rõ báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân theo quy định tại Luật Báo chí. Với vai trò quan trọng như vậy, việc có các quy định riêng về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết, đúng theo chức năng, cơ cấu, tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí.

Các mạng xã hội, you tube… không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác, hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Vì vậy, việc quy định và áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như cơ quan báo chí, nhưng vẫn phải nhằm mục tiêu đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiếp nhận, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của Luật Quảng cáo.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với Bộ TT-TT (cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí) nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật Quảng cáo.

Tin cùng chuyên mục