Thầy và trò vùng Nam Trà My, Quảng Nam: Đối mặt với cái đói!

Thầy và trò vùng Nam Trà My, Quảng Nam: Đối mặt với cái đói!

Từ Đà Nẵng, vượt hơn 200km ngoằn ngoèo đèo dốc, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại huyện Nam Trà My – một trong những huyện có tỷ lệ đói nghèo chiếm 62% và nơi có 7 xã vẫn còn cô lập do sạt lở đất trong nhiều ngày qua. Mặc dù mưa đã dứt, nhưng hơn 2.500 học sinh và hàng trăm hộ dân đang đối diện với cái đói, cái rét.

Đường sá bị chia cắt

Từ trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi bắt xe ôm về 2 xã Trà Vân và Trà Vinh – nơi bị cô lập nhiều ngày qua. Trên tuyến đường đất đỏ với nhiều điểm sạt lở và lầy lội, duy nhất chỉ có loại xe Win 100 mới có thể đi lại. Nhưng mang tiếng là đi xe ôm nhưng thời gian đi bộ đã hết gần nửa quãng đường. Chỉ với 12km, nhưng đi xe ôm rẻ nhất là 250.000 đồng/người vì đường đi quá khó khăn.

Trên tuyến đường huyện Trà Mai – Trà Vân – Trà Vinh có rất nhiều điểm sạt lở, có những nơi nguyên một quả núi đổ ập xuống mặt đường, nhiều cầu cống bị nước lũ cuốn trôi nên giao thông nối trung tâm huyện đến Trà Vinh hoàn toàn bị chia cắt. Muốn đi đến các xã này duy nhất chỉ có cắt rừng lội suối, nhưng phải mất ít nhất 4 giờ đồng hồ. Đến nay, 21 chiếc cầu treo ở 7 xã vùng cao Nam Trà bị nước lũ cuốn trôi khiến y tế ở các xã này hết sức khó khăn. Nếu có trường hợp đau ốm nào thì chỉ có khiêng bộ.

Thầy và trò vùng Nam Trà My, Quảng Nam: Đối mặt với cái đói! ảnh 1

Các em học sinh Trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân - Trà Vinh mong chờ được tiếp tế gạo.

Sau gần 2 giờ đồng hồ vượt qua 12 km đường lầy lội, chúng tôi có mặt tại Trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân – Trà Vinh, hơn 200 học sinh của 9 lớp học đang đối diện với cái đói và cái rét. Thiếu áo ấm, các em đến lớp phong phanh trong chiếc áo mỏng ngồi co ro nghe giảng.
 Thầy Lê Công Vinh, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân – Trà Vinh, cho biết: “Từ ngày 15-11 đến nay, tuyến đường Trà Mai – Trà Vân – Trà Vinh bị chia cắt hoàn toàn vì sạt lở, toàn bộ học sinh học bán trú tại trường không thể về nhà lấy gạo. Số gạo trường dự trữ cho các em sắp hết, các em có thể đói trong vài ngày tới. Trong khi đó, hơn 1 tấn gạo mà huyện cấp cho trường vẫn không thể đưa về được do không có đường đi”.

Thầy Vinh cho biết thêm, trước tình trạng đường tắc, gạo dự trữ vơi dần, nhà trường phải cân đối bằng cách giảm bớt số gạo nấu cho mỗi bữa ăn. Thực sự các em ăn chưa no mỗi bữa, kể cả thầy cô. Những ngày bị mưa lũ chia cắt, hơn 20 thầy cô của trường phải ăn cơm độn sắn với mắm cái dự trữ từ trước.

Cần cứu trợ khẩn cấp lương thực, chăn ấm

Không những học sinh bán trú bị đói, nhiều hộ người dân tộc Ca Dong ở xã Trà Vân và Trà Vinh cũng đang đối diện cái đói và cái rét. Anh Hồ Văn Đinh (SN 1963, trú thôn 1, Trà Vân) giơ cao quả bầu đựng gạo, than thở: “Năm nay cả lúa và sắn đều mất mùa. Cái thì heo rừng ủi hết, cái thì khỉ phá nên mặc dù đang mùa vụ nhưng đồng bào ở đây vẫn đói. Cả nhà mình có 7 người nhưng chỉ còn có mấy lon gạo, cả nhà ăn cơm có một bữa trong ngày thôi, còn lại ăn củ sắn cho no cái bụng. Chỉ vài ngày nữa là hết gạo thôi, nếu củ sắn cũng không còn”.

Trao đổi với PV SGGP, ông Nguyễn Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: “Mưa lũ từ ngày 16 đến 27-11 toàn bộ 7 xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Don, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Leng… bị cô lập hoàn toàn do sạt lở. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn do đường dây cáp thông tin bị đứt. Hiện nay thông tin liên lạc chỉ dựa vào điện thoại điện lực nhưng sóng cũng chập chờn. Chính vì thế, hiện nay hơn 2.500 học sinh tại các trường bán trú cụm xã đang đối diện với cái đói, trong khi đó hiện nay trong kho của huyện còn hơn 50 tấn gạo nhưng không có cách nào đưa lên cho các em”.

Dẫu huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương điều xe và người để khắc phục đường sá, nhưng do đường sạt lở quá nặng nên phải mất 1 đến 2 tháng nữa thì đường mới thông trở lại. UBND huyện Nam Trà My hôm 2-12 triển khai vận động thầy cô, học sinh và cả thanh niên làng xuống huyện để cõng gạo lên nhưng đến chiều 4-12 vẫn chưa có ai xuống vì đường đi quá xa, phải mất nhiều giờ đi bộ.

Chiều 4-12, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đang trình xin Chính phủ 15 tỷ đồng và 1.500 tấn gạo để khắc phục và cứu trợ khẩn cấp cho dân, trong đó có huyện Nam Trà My.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục