Lang thang miền Tuy Phong

Đặc sản “cối xay gió”
Lang thang miền Tuy Phong

Từ Nam ra hay từ Bắc vào, khi đến huyện Tuy Phong (Bình Thuận), từ xa lữ khách đã thấy 5 trụ phong điện màu xám cao chót vót, mỗi trụ có 3 cánh quạt khổng lồ chầm chậm quay. Hình ảnh ấy khiến cho ta cảm giác thôi thúc đến miền Tuy Phong đầy nắng gió.

Phong điện.

Phong điện.

Đặc sản “cối xay gió”

5 trụ phong điện mỗi trụ cao đến 85m, nặng gần 200 tấn. 3 cánh quạt gắn vào tuabin, mỗi cánh dài 37,5m, nặng 6 tấn, tuabin nặng 60 tấn. Những con số ấn tượng ấy cũng đủ để cho ai khi nhìn chúng cũng phải kinh ngạc.

Ông Ngô Minh Chính, Bí thư Huyện ủy Tuy Phong (nguyên Giám đốc Sở Du lịch Bình Thuận), tự hào rằng, những chiếc “chong chóng” điện ấy cũng là sản phẩm du lịch độc đáo, rồi đây sẽ trở thành một điểm tham quan hấp dẫn du khách. Ông Chính nói đây là nhà máy phong điện đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ khách sạn Vĩnh Hảo, nói: “Tuy Phong quê tôi, ngoài phong điện còn có nhiều thứ khác sẽ khiến bạn lưu luyến”. Thật vậy, những ngày lang thang ở Tuy Phong, chúng tôi phát hiện ra vùng đất đầy nắng gió này có nhiều điều níu chân du khách.

Chúng tôi đến thăm Cổ Thạch Tự - còn gọi là Chùa Hang - có niên đại gần 300 năm. Cổ Thạch có nhiều hang đá đẹp độc đáo. Cách Cổ Thạch vài trăm mét có bãi đá 7 màu tuyệt đẹp. Bãi đá mang hình cánh cung chạy dài ôm lấy biển xanh. Ai đến bãi đá này cũng đều ngỡ ngàng về bức tranh của tạo hóa. Bãi biển ở đây bãi đá cuội với từng viên nhẵn bóng xinh xắn. Người ta nói khi bước chân lên những viên đá ấy sẽ có tác dụng bấm huyệt cho lòng bàn chân.

Chạy về hướng Nam sẽ nối tiếp với mũi La Gàn. La Gàn có những dãy cát vàng tuyệt đẹp, có làng chài thơ mộng. Vì vậy mà có bài hát “La Gàn khúc tự tình” đầy chất thơ được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, La Gàn còn được mệnh danh là “thiên đường” của hải âu.

Và những nơi còn ít dấu chân người...

Phong điện – Chùa Hang – bãi đá 7 màu – mũi La Gàn nằm trong bán kính chưa tới 10km, nếu lấy thị trấn Liên Hương làm trung tâm. Tuy Phong không chỉ có vậy. Ngày thứ hai ở Tuy Phong, chúng tôi có hai lựa chọn: Một là đi cù Lao Câu nằm ở phía Bắc Tuy Phong, giáp ranh với Ninh Thuận để lặn biển ngắm san hô – nơi duy nhất ở Bình Thuận mà du khách có thể lặn biển ngắm được san hô. Hai là khám phá thác Yavly, hay còn gọi là thác Mây.

Chúng tôi quyết định đi thác Yavly. Từ thị trấn Liên Hương, chúng tôi đi ô tô đến xã miền núi Phan Dũng, cách Liên Hương 28km, sau đó tiếp tục đi bằng xe gắn máy thêm 17km xuyên qua rừng nguyên sinh Tà Hoàn mới đến thác.

Yavly được nhiều người nói là “thác nguyên sinh”, còn tôi thì đặt tên “thác ít dấu chân người”, vì nằm khá xa và trong rừng nguyên sinh nên ít người đến. Thác cao khoảng 50m, mặc dù đang vào mùa khô nhưng nước vẫn tuôn trào, tung bọt trắng xóa như mây.

Cổng vào Cổ Thạch Tự.

Cổng vào Cổ Thạch Tự.

Khám phá thác Yavly mất gần một ngày, quay về khách sạn Vĩnh Hảo nghỉ ngơi, hôm sau, chúng tôi được thư giãn, tận hưởng dịch vụ hấp dẫn: Tắm bùn và ngâm chân nước khoáng nóng Vĩnh Hảo - nơi mà theo truyền thuyết ngày xưa, Huyền Trân Công chúa đã từng ngâm chân chữa bệnh.

Chưa hết, những ngày ở Tuy Phong, chúng tôi còn được thưởng thức nhiều món đặc sản khá ngon như: Món cá mặt quỷ nấu cà ri, cua huỳnh đế, cá bống mú đỏ nấu cháo đậu xanh… Nói chung, hải sản ở Tuy Phong cũng được xếp vào hàng “đệ nhất thiên hạ”!

Tấn Việt

Tin cùng chuyên mục