Nhặt sạn văn nghệ

  • Ai bay vào vũ trụ?

Chương trình Ở nhà chủ nhật phát trên kênh truyền hình VTV3 ngày 5-8-2007 đưa ra câu hỏi “Ai là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ?”, sau đó cho câu trả lời khá đột ngột là: Chú Cuội.

Với câu trả lời này, có mấy điểm xin góp ý:

- Chú Cuội không phải của riêng Việt Nam. Người Trung Quốc cũng có Chú Quải của họ trên cung trăng. Quải có nghĩa là “lừa dối”.

- Vậy đáp án đúng phải là: Người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ là anh hùng Phạm Tuân.

T.N.T.

  • Sao quá dễ dãi?

VCTV2 vừa chiếu lại phim Mảnh đời của Huệ của VFC do Phi Tiến Sơn đạo diễn. Ở tập cuối có cảnh: “Tại phòng cấp cứu một bệnh viện, Huệ vừa tỉnh lại (do ngất sau khi chứng kiến tai nạn ô tô của Phúc – Đội trưởng bảo vệ công ty than) đã được anh em công an lấy lời chứng. Liền sau đó nhân viên bảo hiểm đã trao tiền bảo hiểm nhân thọ của Phúc cho Huệ để lo hậu sự”.

Việc làm trên có mấy điều chưa hợp lý:

- Dù Phúc đã ly hôn, nhưng trước pháp luật Phúc và Huệ chưa chính thức là vợ chồng.

- Với sự ra đi đột ngột, chắc hẳn Phúc không thể có chúc thư ủy quyền cho Huệ.

- Phúc đã có con trai, tuy chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng đã có những hiểu biết nhất định...

Bảo hiểm vốn là cơ quan khá “kỹ tính” để chọn đối tác chi trả, nhất là chi trả bảo hiểm nhân thọ. Sao quá dễ dãi trong trường hợp này?

Tấn Phong (Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận)

  • Cao Hoài Đức chứ không phải Trịnh Hoài Đức

Báo chí giới thiệu “Những ngôi sao cải lương”: “Hữu Châu vai Nguyễn Trãi, vở Vườn Lệ Chi; Tú Sương vai Trịnh Hoài Đức trong vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu...”.

Sao lại là Trịnh Hoài Đức?

Trong tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, nhân vật Lưu Kim Đính là người thời Tống bên Trung Hoa, là vợ của Cao Quân Bảo. Cao Quân Bảo là con Cao Hoài Đức. Vua lập nên nhà Tống là Triệu Khuôn Dẫn. Triệu Khuôn Dẫn kết nghĩa với Trịnh Ân, Cao Hoài Đức. Khi lên làm vua, Triệu Khuôn Dẫn phong vương cho Trịnh Ân, Cao Hoài Đức vì có công lớn.

Như vậy không nên nhầm với Trịnh Hoài Đức là tướng nước ta, thời nhà Nguyễn Gia Long!

Cao Phi Yến (Quang Trung, Q. Gò Vấp)

  • Nhặt sạn trong “Dinh Thừa tướng”

1- … “Thừa tướng bỗng giật mình, Hoàng thượng tên là SẨM, gồm chữ Nhật trên chữ Sơn. Mặt trời gác núi thì hết bóng” (Truyện ngắn Cuộc gặp trong Dinh Thừa tướng của Phạm Thuận Thành – Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 676, tr.22).

Tra liền mấy cuốn Từ điển Hán Việt vẫn chưa tìm thấy chữ SẨM có tự dạng như tác giả mô tả. Duy trong Thế thái các triều vua Việt Nam (NXB Giáo dục 1996 – tr.52) có ghi Lý Huệ Tông - đời vua thứ 8 nhà Lý (1210 – 1224) có tên là Lý Hạo SẢM (nếu ghi theo Hán tự gồm bộ Thủ và chữ Sâm - có nghĩa: cầm, nắm, giữ...). ông giữ ngôi 14 năm, truyền lại cho Lý Chiêu Hoàng rồi đi tu, được 2 năm bị nhà Trần bức tử, thọ 32 tuổi.
Thế thì “SẢM” mới là húy Lý Huệ Tông.

2- … “Chỉ có Thượng thư Bộ lễ phản đối lập vua nữ, nhưng Chiêu Thánh liền phê cho NGHỈ TRÍ SĨ” (cũng truyện ngắn trên).

“TRÍ SĨ” đã là nghỉ hưu. Còn “NGHỈ TRÍ SĨ” chắc phải “lưu” lại rồi!

Tân Phong (P10 – Phú Nhuận)

Tin cùng chuyên mục