Vụ các lò rán mỡ ở Hòa Vang (Đà Nẵng): Cả 4 cơ quan chức năng không “tìm” thấy trách nhiệm

Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh về tình trạng các lò chế biến mỡ động vật mất vệ sinh tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), chiều ngày 16-9, Đội kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra tình hình sản xuất và đình chỉ 3 lò rán mỡ tại đây. Điều đáng nói là, các cơ quan chức năng Hòa Vang và Đội QLTT số 2 tỏ ra lúng túng khi xử lý, thậm chí “đá bóng” trách nhiệm với nhau.        Chế biến thức ăn?
Vụ các lò rán mỡ ở Hòa Vang (Đà Nẵng): Cả 4 cơ quan chức năng không “tìm” thấy trách nhiệm

Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh về tình trạng các lò chế biến mỡ động vật mất vệ sinh tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), chiều ngày 16-9, Đội kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra tình hình sản xuất và đình chỉ 3 lò rán mỡ tại đây. Điều đáng nói là, các cơ quan chức năng Hòa Vang và Đội QLTT số 2 tỏ ra lúng túng khi xử lý, thậm chí “đá bóng” trách nhiệm với nhau.

        Chế biến thức ăn?

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm UBND xã Hòa Phong, Phòng Tài nguyên – Môi trường, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và Đội Quản lý thị trường số 2 (thuộc Chi cục QLTT TP Đà Nẵng), tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc cũng như “điểm cuối” của số mỡ động vật từ các lò rán tại Hòa Vang.

Tại lò rán mỡ của ông Trần Văn Dũng, sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản, tạm đình chỉ hoạt động và niêm phong 18 tấn mỡ động vật thành phẩm đã được vào bao, với số lượng trên 300 bao tải. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã đình chỉ hoạt động lò rán mỡ của gia đình anh Nguyễn Phi Dũng và ông Nguyễn Trí (bố anh Dũng), đồng thời lập biên bản niêm phong 8 tạ mỡ thành phẩm của hai lò này.

Khi cơ quan chức năng truy hỏi nguồn gốc và nơi tiêu thụ lượng mỡ này thì ông Đặng Công Trận, là anh rể chủ lò rán mỡ trả lời cơ sở của gia đình ông làm xong “xuất” đi TPHCM cho một người tên Hạnh và “xuất” đi Hà Nội cho một người tên Huynh để tiêu thụ.

Theo quan sát của PV SGGP, tại hai lò của ông Nguyễn Trí và Nguyễn Phi Dũng có dấu hiệu tẩu tán một số lượng lớn mỡ thành phẩm và hoạt động cầm chừng để đối phó.

Ông Trần Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết: Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Trí trước đây có đăng ký với xã và có nộp thuế nhưng đến tháng 6-2008, ông Trí thông báo do hoạt động thua lỗ nên không chế biến nữa. Tuy nhiên, đến đầu năm 2009, UBND xã Hòa Phong phát hiện ông Trí tiếp tục sản xuất nên yêu cầu truy thu thuế. Còn hai cơ sở còn lại đều hoạt động “chui”.

Theo ông Hóa, ông Trí khai báo số mỡ này dùng làm đèn sáp, nguyên liệu công nghiệp và cả cho một số nơi nấu thức ăn cho... công nhân ở TPHCM và Hà Nội (!). 

Cán bộ QLTT đang kiểm tra lò rán mỡ động vật.

Cán bộ QLTT đang kiểm tra lò rán mỡ động vật.

        “Đá bóng” trách nhiệm

Điều đáng nói, trong quá trình kiểm tra, lập biên bản sự việc, các cơ quan chức năng Hòa Vang và Đội QLTT số 2 tỏ ra lúng túng và “đá bóng” trách nhiệm cho nhau.

Ông Phan Văn Lộc, cán bộ Đội QLTT số 2, cho biết, đơn vị của ông hoàn toàn không biết cơ sở này hoạt động. Lực lượng QLTT chỉ có chức năng kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh và các vấn đề về thuế chứ không có chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, ông Hồ Đăng Ninh, Trạm trưởng Trạm Thú y Hòa Vang cho rằng, vụ việc này không thuộc phạm vi quản lý của ngành Thú y. Ông Ninh đưa cho chúng tôi Thông tư số 30/2009/TT-BNN của Bộ NN-PTNT và cho rằng, cơ quan thú y chỉ kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật là thịt gia súc, gia cầm. Còn mỡ động vật là loại phế thải nên không thuộc quyền quản lý của thú y (?!).

Về phía Phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Sương, phó phòng, cho rằng Phòng TN-MT chỉ quản lý về mặt môi trường, xem có ô nhiễm môi trường hay không, còn việc chất lượng, nguồn gốc và tiêu thụ mỡ động vật không thuộc chức năng của phòng.

Còn đối với Trung tâm Y tế Hòa Vang, bác sĩ Trần Văn Thanh, Trưởng khoa vệ sinh, tỏ ra thờ ơ với vụ việc, thậm chí khi đến hiện trường, không vào tận nơi mà chỉ ngồi ngoài vườn nói chuyện. Bác sĩ Thanh cho rằng, cơ quan y tế chỉ kiểm tra sản phẩm động vật khi các cơ quan chức năng cấp phép yêu cầu kiểm tra chất lượng. Còn đối với cơ sở chế biến mỡ động vật này thì Trung tâm Y tế hoàn toàn không biết.

Ông Thanh cho rằng, theo nguyên tắc, trước khi cấp phép hoạt động, chính quyền sở tại phải phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, cơ quan y tế để kiểm tra điều kiện hoạt động. Ngoài ra, khi xuất đi sản phẩm phải qua kiểm duyệt chất lượng của cơ quan y tế và các cơ quan khác. Còn đằng này, các cơ sở này không có giấy phép nên các cơ quan chức năng không biết để kiểm tra. Thậm chí, trong quá trình kiểm tra, ông Nguyễn Sương đã không dưới hai lần phải “lớn tiếng” với ông Hồ Đăng Ninh và ông Trần Văn Thanh khi hai ông này chối bỏ trách nhiệm của cơ quan mình.

Ông Sương cho biết, về mặt pháp lý, Phòng TN-MT huyện không có quyền lập biên bản xử lý vụ việc này. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra không có ai đứng ra lập biên bản nên Phòng TN-MT huyện phải chủ động đứng ra lập biên bản để báo cáo với UBND huyện để tìm biện pháp xử lý.

Về trách nhiệm trong vấn đề này, ông Sương cho rằng, trước hết thuộc về chính quyền địa phương, đơn vị quản lý địa bàn. Ngoài ra, cả cơ quan y tế và thú y đều có trách nhiệm trong sự việc này. Bởi lẽ, nếu sản phẩm mỡ động vật này được đưa vào sử dụng trong thực phẩm thì trách nhiệm thuộc về cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm, còn cơ quan thú y có trách nhiệm trong việc kiểm soát nguồn mỡ động vật nhập vào từ đâu.

Trong khi các cơ quan chức năng đang đùn đẩy trách nhiệm với nhau thì hàng chục tấn mỡ động vật được chế biến trong điều kiện thiếu vệ sinh, “công nghệ” thô sơ và bẩn thỉu đang trôi nổi trên thị trường. Liệu lượng mỡ khổng lồ đó có đi vào các bếp ăn và gây tác hại như thế nào đến sức khỏe con người? Vấn đề đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng đang bị đe dọa thật sự. 

NGUYÊN KHÔI

- Thông tin liên quan:

>> Từ các lò rán mỡ Hòa Vang: Mỡ động vật đi đâu?

>> Phát hiện thêm gần 50 tấn mỡ không nguồn gốc

>> Xe chở 3 tấn mỡ “bốc mùi” chuẩn bị làm nhân bánh Trung thu

Tin cùng chuyên mục