Nhọc nhằn bà lão “con” nuôi bà lão “mẹ”

Nhọc nhằn bà lão “con” nuôi bà lão “mẹ”

Ngày lại ngày, nơi góc đường Hồng Bàng - Châu Văn Liêm (quận 5, TPHCM) có một bà lão móm mém nhai trầu, ngồi cân, đếm từng món hàng nhôm nhựa vừa mua được. Những thứ “rác” đó, với bà thì có thể sinh lời để nuôi mẹ già 91 tuổi nơi quê nhà.

Góc phố, đời người

Quê bà ở Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Hơn 15 năm qua, bà Hai đã giã từ quê nhà để lên thành phố gia nhập “đội quân đồng nát” cùng với một số người quen. Bà Hai là thành viên già nhất trong số đó. “Tui giờ đã 72 tuổi, chồng mất khi đứa út mới vài tháng. Tui ở vậy nuôi bầy con 5 trai và 2 gái đến giờ”, bà lão tâm sự trong khi đôi tay liên tục phân loại đâu là nhôm, đâu là bạc, thứ nào là nhựa, mà không hề để ý tới phố phường ồn ào chung quanh mình.

Nhọc nhằn bà lão “con” nuôi bà lão “mẹ” ảnh 1

Phân loại xong xuôi, tiếp tục hành trình mưu sinh

Bà kể lại ngày trước còn làm lụng ở quê nhà trên vài mẫu đất. Đến ngày các con trai lấy vợ, bà cho mỗi đứa 10 sào, con gái thì theo chồng. Phần bà “trắng tay” phải lên thành phố kiếm sống nuôi mẹ già 91 tuổi. Nuôi con khôn lớn đã khổ, nuôi mẹ già càng khổ hơn vì như bà nói “mẹ tui không có con trai, tui là… con gái phải làm có tiền để nuôi mẹ, chứ ai vào nuôi bây giờ”. Dù cả đời hy sinh vì con nhưng ở tuổi xưa nay hiếm, bà lão “con” cũng không cho phép mình ngơi nghỉ và lên thành phố làm lụng nuôi bà lão “mẹ”.

Bà Hai nói, ở quê kiếm được 5.000đ cũng khó vì không ai mướn nhưng nếu lên đây tiết kiệm cũng kiếm một ngày đôi ba chục ngàn đồng, có ngày được năm chục ngàn đồng. Từ số tiền dôi ra ấy, hàng tháng bà lão “con” lại dành dụm để đi xe về thăm mẹ ở quê. Tấm lòng thơm thảo của bà, ở khu phố này ai cũng biết và không tiếc lời khen ngợi.

Ngày mới lên thành phố, không có một tờ giấy bạc nào trong tay, bà lão “con”  may mắn gặp được ông chủ vựa phế liệu tốt bụng. Thấy bà tuổi cao sức yếu mà vẫn lăn lộn mưu sinh vì thương mẹ, ông đã cho bà mượn  200.000đ đi thu mua phế liệu về bán lại kiếm lời, khi nào có thì trả. Chỉ sau 6, 7 ngày rong ruổi bán mua, bà đã trả ngay khoản vốn mượn đầu tiên ấy.

Neo đời sau xe đẩy

Mỗi khi mệt thì bà tạt qua góc ngã tư soạn đồ phế liệu; đỡ mệt một tý thì bà lão “con” lại rong ruổi đẩy xe đi dạo khắp ngõ ngách ở quận 5, vừa đi vừa cất tiếng gọi “Nhôm nhựa, nhôm nhựa” trong hơi thở dốc vì giờ đã tuổi cao. Bà tâm sự: “Ngày trước mới lên thành phố còn sức, tôi gánh được nhưng bây giờ chỉ còn đẩy xe thôi, chứ không gánh nổi nữa đâu. Ừ, mà chiếc xe 3 bánh của tôi sắp tới cũng bị cấm hả? Cấm thì biết làm nghề gì bây giờ?”.

Được cái, nhiều bà con tốt bụng cứ có đồ thừa nào là lại kêu bà lão phế liệu vô cho. Ông cán bộ hưu trí cho đống báo cũ, bà hàng nước thương cũng gọi “giải quyết” mấy chai nhựa. Thế nào bà lão “con” cũng cảm ơn rối rít do lãi được vài ngàn đồng. “Cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt phải không chú?”, bà Hai hớn hở khoe.

Để có tiền tích lũy gửi về cho mẹ già ở quê nhà, bà lão “con” từng ở trọ mỗi đêm 2.000đ; nửa đêm lén đi toalet, chủ thấy thu thêm 1.000đ nữa, thế là mất 3.000đ/ngày. Còn bây giờ, bà cùng hai”đồng nghiệp” đã có căn nhà thuê trên đường Trần Văn Kiểu (quận 5), dù nhỏ xíu nhưng cũng có chỗ cho bà lui về mỗi đêm.

Thương mẹ sống trong căn nhà trống trước dột sau ở quê nhà, ngày ngày ở Sài Gòn, bà lão “con” lại mua hai tờ vé số cầu may để nếu trúng thì có thể sửa được nhà cho mẹ ở tức thì. Chị giữ xe ngay ngã tư Hồng Bàng - Châu Văn Liêm biết chuyện bảo: “Không bao giờ bả chịu ăn gì đâu, để dành tiền mua vé số để sửa nhà cho mẹ”. Bởi vì, theo bà lão “con” nói, nghề ve chai kiểu này thì muôn đời làm sao sửa được nhà?

Thời tiết những ngày đầu xuân, người đi đường xúng xính trong áo khoác khi trời trở lạnh. Tôi tạt qua ngã tư này, vẫn thấy bà lão “con” đang tỉ mẩn lựa chọn phế liệu để mẹ mình ở quê nhà có thêm bát cháo, ly sữa nóng ấm lòng khi con mình xa nhà. Con đã 72 tuổi còn gì?.

Diệu Hoàn

Tin cùng chuyên mục