Động thái này nằm trong chuỗi biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ và rửa tiền, đồng thời gây áp lực lên thị trường tiền ảo đang bùng nổ ở xứ sở kim chi. Tổng cộng, các ngân hàng này có 111 tài khoản trên các sàn tiền ảo với tổng giá trị tiền gửi khoảng 2.000 tỷ won (1,8 tỷ USD). Mỗi tài khoản này đã sinh ra hàng triệu tài khoản ảo khác. Giới chức Hàn Quốc sẽ điều tra xem 6 ngân hàng này có thực hiện các nghĩa vụ ngăn chặn hoạt động rửa tiền trong quản lý các tài khoản ảo hay không. Song song đó, Seoul cũng đang tìm cách cắt đứt nguồn vốn đổ vào các sàn tiền ảo và đóng cửa các sàn có lỗ hổng trong hệ thống.
ẢNH: REUTERS
Trong tuần này, Hàn Quốc cũng sẽ đưa ra thông điệp cảnh báo mới về hoạt động đầu cơ tiền ảo. Chính phủ yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp tên tuổi thật trong các giao dịch tiền ảo, đồng thời cấm các ngân hàng cung cấp tài khoản cho các sàn giao dịch tiền ảo. Đây là diễn biến mới nhất nhằm hạn chế cơn sốt đầu cơ tiền ảo. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ rà soát các biện pháp như đóng các sàn tiền ảo theo đề xuất của Bộ Tư pháp và thực thi các biện pháp phù hợp để giám sát xu hướng đầu cơ.
Bất chấp sự bùng nổ của các giao dịch tiền ảo, các sàn giao dịch đa phần đều không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật Hàn Quốc bởi không được coi là một sản phẩm tài chính. Tại Hàn Quốc, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, không có quy định nào bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư tiền ảo. Vì vậy, các biện pháp mới này được các chuyên gia tài chính đánh giá vẫn chỉ là các giải pháp tình thế. Các nhà quản lý cũng cảnh báo về những nguy hiểm xung quanh một thị trường cho đến nay vẫn chưa được kiểm soát, không thanh khoản và có xu hướng biến động mạnh về giá. Preston Byrne - nhà sáng lập công ty phần mềm blockchain Monax - chỉ ra các rủi ro: Bitcoin chỉ nằm trong tay một vài người và không thể biết ai có Bitcoin; thị trường thường xuyên bị thao túng; việc một giao dịch có diễn ra hay không đều do xác suất chứ không được xác định theo luật pháp. Một số nền tảng và sàn giao dịch tự đưa rủi ro vào sổ sách và tự lấy tiền trả cho khách hàng trước cả khi bán được trên thị trường. Nếu nhiều khách hàng bán ra cùng lúc, các tổ chức trung gian này sẽ phải chịu áp lực tài chính vì không có quyền tiếp cận tín dụng tại các ngân hàng. Đó là chưa kể đến những vấn đề trong thế giới thực. Ví dụ, hoạt động đào Bitcoin trong năm 2017 tốn nhiều điện hơn mức trung bình tiêu thụ hàng năm của 159 quốc gia. Hàn Quốc đã trở thành tâm điểm của thị trường tiền ảo toàn cầu, trong bối cảnh giá các đồng tiền ảo tăng chóng mặt trong năm 2017. Nước này hiện chiếm khoảng hơn 1/5 tổng khối lượng giao dịch tiền ảo toàn cầu. Giá Bitcoin tại Hàn Quốc hiện vẫn đang chênh cao hơn khoảng 30% so với giá trên thị trường quốc tế, cho thấy sự ám ảnh đối với đồng tiền ảo ở quốc gia này.