Và, trong cùng một thời điểm, khi có 3 sự việc liên quan đến kiểm duyệt, ngọn lửa ấy đã bùng phát như một lẽ tất yếu. Câu chuyện của Thất sơn tâm linh (Thiên linh cái), Ròm và Everest - Người tuyết bé nhỏ, là những trường hợp có một điểm chung mà giới làm phim phải lên tiếng: Có hay không sự công bằng giữa phim nội và phim ngoại? Kiểm duyệt như thế nào để khích lệ các tài năng điện ảnh Việt, đặc biệt là các tài năng trẻ đang nỗ lực khẳng định mình thông qua các dự án nghệ thuật độc lập?
Nhìn bề nổi, quy trình kiểm duyệt phim tại Việt Nam tưởng chừng công bằng, minh bạch đối với tất cả các bộ phim, các đơn vị nhập và nhà phát hành. Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại không ít bức xúc. Giới làm phim từng khấp khởi vui mừng khi từ ngày 1-1-2017 quy chế dán nhãn, phân loại phim với 4 loại: P (dành cho mọi đối tượng khán giả); C13, C16, C18 (phim cấm khán giả dưới 13, 16 và 18 tuổi) được thông qua. Thế nhưng, việc kiểm duyệt không những chẳng cởi mở mà xét trên phương diện nào đó còn khắt khe hơn, đặc biệt với phim Việt. Một dẫn chứng mà giới làm phim không thể quên là ở mùa phim Tết 2017, phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 từng gây bức xúc khi có rất nhiều hình ảnh, chi tiết nhạy cảm, bạo lực, nhưng lại là phim duy nhất không bị gắn nhãn hạn chế. Nhiều nhà làm phim Việt thời điểm đó không hiểu phim mình vì sao bị gắn nhãn, nhưng đành ngậm ngùi im lặng để phim được ra rạp.
Tiêu chí phân loại tưởng chừng như rõ ràng, nhưng giữa các mức C13, C16, C18 vẫn cứ nhập nhằng. Ngay cả khi có mức C18 thì phim vẫn cứ bị cắt, trở thành tác phẩm chắp vá, rời rạc và nhiều khi không đầu, không cuối. Với những phim Việt thuộc thể loại kinh dị hay có yếu tố kinh dị, bạo lực, tình dục, điều này thể hiện rất rõ ràng. Và, chẳng cần xem phim khán giả cũng có thể đoán được những cái kết rất quen thuộc, kiểu như: đó là một giấc mơ, nhân vật bị hoang tưởng, hài hóa kinh dị, hành động hài… Vì chẳng biết phim mình làm sẽ bị cấm và cắt ra sao nên tâm lý chung của các nhà làm phim là cứ làm những gì an toàn. Do vậy, mỗi năm thể loại phim kinh dị, hành động chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại tràn ngập những phim hài, tình cảm cũ mòn, sáo rỗng. Hỏi sao khán giả không chán? Thế nhưng, các phim kinh dị, bạo lực, tình dục ngoại nhập lại vẫn cứ ra rạp mà chẳng bị cắt xén là bao, dù đầy những cảnh giết chóc, máu me… Nhiều nhà làm phim chỉ biết than trời, gửi văn bản đề nghị giải thích rõ các khái niệm: thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan, cổ vũ bạo lực, tình dục… để biết đường tránh. Với họ, sự chung chung ấy vừa gây hoang mang, đồng thời kiềm tỏa, kìm hãm sự sáng tạo.
Làm phim Việt nói chung đã khó, các phim thuộc dòng phim nghệ thuật độc lập để ra rạp còn khó hơn. Hiện nay, nếu trên thế giới có những hiệp hội đứng ra thành lập các rạp chiếu riêng cho dòng phim này, thì tại Việt Nam, đó vẫn là mơ ước. Chúng ta vẫn thường nghe phim Việt tranh giải, nhận giải tại các liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ. Nhưng có một nghịch lý, tác phẩm do chính những người Việt làm lại không được ra mắt tại nơi mà đáng lẽ nó phải được đường hoàng ra rạp. Nếu cơ chế kiểm duyệt có tiêu chí riêng dành cho dòng phim này, thực sự cởi mở thì sẽ không còn tình trạng nhà làm phim sau khi làm xong tác phẩm, đi tham dự các liên hoan phim quốc tế nhưng cuối cùng, chẳng mặn mà ra mắt trong nước. Thực tế, nhiều nhà làm phim độc lập còn không muốn gửi tác phẩm của mình kiểm duyệt nữa, bởi với họ, đứa con tinh thần của mình nếu ra mắt không còn lành lặn là điều đau đớn nhất. Tâm lý làm phim chỉ để mang đi dự thi và chiếu ở nước ngoài là điều đáng báo động. Rất cần cơ chế khuyến khích các tài năng trẻ, các tác phẩm của họ. Đó là một phần quan trọng giúp thế giới nhận diện thương hiệu phim Việt Nam.
Vẫn biết rằng không chỉ tại Việt Nam, kiểm duyệt vẫn đang được áp dụng ngay cả ở những nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Thế nhưng, kiểm duyệt như thế nào để công bằng, kích thích sáng tạo của nhà làm phim với những tiêu chí rõ ràng đang cần câu trả lời thỏa đáng.