Siêu thị khẳng định ưu thế

Cảm ơn chương trình bình ổn giá
Siêu thị khẳng định ưu thế

Tết năm nay, hệ thống các siêu thị tại TPHCM đã giúp người tiêu dùng mua hàng hóa với chất lượng ổn định, đúng giá. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến hoan nghênh sự hoạt động tích cực và hiệu quả của hệ thống siêu thị, đồng thời đặt vấn đề cần tăng cường quản lý và cải tiến hoạt động các chợ truyền thống.

Tại siêu thị, giá các mặt hàng được niêm yết rõ ràng. Ảnh: Thanh Hải

Tại siêu thị, giá các mặt hàng được niêm yết rõ ràng. Ảnh: Thanh Hải

Cảm ơn chương trình bình ổn giá

Trong dịp tết vừa qua, khi vào các chợ để mua thực phẩm, trái cây, hoa tươi…, người tiêu dùng đã phải chóng mặt vì giá cả bị đẩy lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với ngày thường. Sau tết, tại các chợ, giá bán nhiều mặt hàng vẫn không giảm lại như mức bình thường. Đúng như phản ánh của Báo SGGP trong bài viết “Hết tết, giá dịch vụ vẫn đánh đu” đăng ngày 1-2-2012, trong những ngày gần đây nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm, rau xanh, hoa quả ở các chợ vẫn bị “làm giá” đến chóng mặt. Nhân 2 ngày mùng 9 và 10 Âm lịch có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, tiểu thương cúng thần tài, khai trương, người bán tại các chợ đã nâng giá nhiều mặt hàng như thịt heo ba rọi, tôm càng xanh, cá lóc, trái cây, hoa tươi… cao ngang giá bán những ngày giáp tết. Giá hàng hóa ở chợ tăng vô tội vạ, người tiêu dùng rất bực bội với kiểu kinh doanh chụp giựt, “chặt chém” không có điểm dừng.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao đã có Nghị định 84/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cả nhưng cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường không vào cuộc xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vô tội vạ này? Nếu tiến hành kiểm tra việc niêm yết giá để phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm thì các điểm kinh doanh, người bán hàng sẽ phải thay đổi ý thức, niêm yết và bán đúng giá hơn.

Nhìn lại hoạt động kinh doanh dịp tết vừa qua, người tiêu dùng cũng ghi nhận sự khẳng định ưu thế của hệ thống các siêu thị TPHCM. Khi đi mua hàng tết tại siêu thị Co.opMart và BigC, có thể thấy sự chuẩn bị chu đáo, hàng hóa phong phú, đầy đủ các mặt hàng từ thực phẩm rau xanh đến trái cây đủ chủng loại ở đây. Tuy phải xếp hàng hơi đông khi thanh toán tiền nhưng người tiêu dùng có thể mua được tất cả các loại trái cây tươi để cúng giao thừa mà giá cả vẫn như ngày thường, thậm chí còn rẻ hơn. Bạn đọc Khánh Hà ở quận 10 nói: “Xin cảm ơn chương trình bình ổn giá của TPHCM đã đến từng mâm cỗ của người dân. Xin cảm ơn sự vào cuộc và chuẩn bị hàng hóa ngày tết đầy đủ, phong phú của hệ thống siêu thị ở TPHCM. Không những mở cửa từ mùng 2 Tết để phục vụ người dân và cung ứng đủ hàng hóa, sau tết hầu hết các siêu thị vẫn tiếp tục giữ giá bình ổn như trước tết”.

Xu thế siêu thị thay thế chợ truyền thống

Trên địa bàn TPHCM, các hệ thống siêu thị như Co.opMart, BigC hầu như nằm rải hết tất cả quận, huyện. Dần dần các siêu thị không chỉ bán các mặt hàng gia dụng, thời trang, văn hóa phẩm… mà lấn sang buôn bán mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, trái cây… cạnh tranh với chợ truyền thống. Các mặt hàng này luôn được giữ tươi nhờ có hệ thống trữ lạnh. Bạn đọc Nguyễn Phương Trang ở Gò Vấp cho biết: “Tôi đã thay việc đi chợ bằng việc mua hàng thực phẩm tươi sống ở siêu thị. Tại siêu thị BigC Gò Vấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống khá phong phú, đi mua buổi nào cũng có hàng tươi, giá niêm yết rõ ràng, không lo mua hớ hay bị cân thiếu như đi mua ở chợ. Với lại hàng mua ở siêu thị bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hơn hàng mua ngoài chợ”.

Ưu thế của siêu thị đang ngày càng được khẳng định, vì thực tế các chợ truyền thống đã không cải tiến, nhiều chợ rất nhếch nhác, thiếu vệ sinh; tệ nói thách, bắt chẹt, chửi bới khách hàng, cân thiếu… làm cho người mua ngán ngẩm. Đi vào các chợ Xã Tây (quận 5), Hòa Hưng (quận 10), Bà Chiểu (Bình Thạnh)… đều thấy cảnh rác và nước bẩn tràn lan. Giá bán hàng hóa tại các chợ cũng không rẻ hơn giá bán ở các siêu thị, thậm chí ở chợ Xã Tây giá nhiều mặt hàng còn có phần cao hơn giá bán ở các siêu thị. Hiện nay chợ truyền thống chỉ còn có một ưu thế so với siêu thị là có thể mua được hải sản tươi sống, trong khi tại siêu thị chỉ có hải sản đông lạnh.

Nếu không cải tiến, khắc phục những mặt hạn chế, chắc chắn không lâu nữa các chợ truyền thống sẽ bị thất thế hoàn toàn. Mặt hạn chế lớn nhất cần tập trung chấn chỉnh là tệ lợi dụng lễ tết để làm giá. Để làm được điều này, ngoài việc tuyên truyền, vận động tiểu thương, chủ kinh doanh tại chợ phải niêm yết bán hàng đúng giá, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Như Hà - Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục