Sinh tồn giữa rừng xanh

Sự kiện ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi) ở miền Tây Quảng Ngãi sống cùng con Hồ Văn Lang (40 tuổi) biệt lập giữa rừng hơn 40 năm qua với những công cụ thô sơ, mặc khố, ở nhà tổ chim cho thấy con người có sức sinh tồn kỳ lạ. Làm thế nào để họ sống tốt trong hoàn cảnh đó là câu hỏi lớn. Hiện cha con họ không tâm sự nhiều, nhưng có một số tộc người ở Quảng Bình cũng đang trong trạng thái sinh tồn như cha con ông Thanh. Không ánh điện, không vật chất hiện đại, họ vẫn mưu sinh và duy trì nòi giống giữa khắc ngiệt rừng xanh.
Sinh tồn giữa rừng xanh

Sự kiện ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi) ở miền Tây Quảng Ngãi sống cùng con Hồ Văn Lang (40 tuổi) biệt lập giữa rừng hơn 40 năm qua với những công cụ thô sơ, mặc khố, ở nhà tổ chim cho thấy con người có sức sinh tồn kỳ lạ. Làm thế nào để họ sống tốt trong hoàn cảnh đó là câu hỏi lớn. Hiện cha con họ không tâm sự nhiều, nhưng có một số tộc người ở Quảng Bình cũng đang trong trạng thái sinh tồn như cha con ông Thanh. Không ánh điện, không vật chất hiện đại, họ vẫn mưu sinh và duy trì nòi giống giữa khắc ngiệt rừng xanh.

        Khói, tiếng hú cũng là... smartphone

Con người chúng ta hiện đã sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), giao tiếp trên internet mỗi ngày. Nhưng giữa rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng (Bố Trạch, Quảng Bình), xa ánh điện, xa đô thị phồn hoa, người A rem (xã Tân Trạch) khép mình dưới những tán cây khổng lồ, bản làng của họ biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, họ không hề biết đến điện thoại thông minh, internet nhưng họ vẫn có cách truyền tin cho nhau khi ở xa. Chúng tôi vẫn nói với nhau đó là hình thức của “điện thoại thông minh” cổ xưa nhất mà con người từng biết đến và còn tồn tại đến hôm nay.

Đinh Cu nói: “Để báo tin thú giữ vồ người ở rừng xa về bản, họ nhóm lửa lên thật to, bẻ cây tươi, lá tươi cho vào đống lửa, khói đen đặc bốc lên mấy trăm mét, người ở bản sẽ biết, người đi rẫy gần đó biết, kẻ đi săn cạnh đó biết sẽ tìm cách đến giải cứu”. Năm 2010, Đinh Rầu đi thăm rẫy bắp, vào hang đá cách bản hai giờ đi bộ thì phát hiện toàn bộ bắp của bản đã bị khỉ bẻ trộm, đưa chất đống trong hang. Đinh Rầu kể: “Mình vào đó, mới đầu chỉ thấy mấy con khỉ nhỏ bỏ chạy khỏi đống bắp, sau thì con đầu đàn ở đâu xuất hiện trên mái đá, nó hú hét báo động, cả đàn khỉ mặt đỏ hung tợn lao vào tấn công mình chảy máu, hai con chó săn cũng bị đánh chạy mất. May có cây đuốc mang theo mình châm lửa, chúng mới tản ra nhưng vẫn đứng canh dữ tợn ở cửa hang không cho ra, nhìn mãi, mình thấy đống củi khô do lũ năm trước đưa vào, mình đến đốt, vơ hết rêu mốc xung quanh cho ướt bỏ vào lửa, khói bốc lên, mấy anh em đi rừng cạnh đó thấy mới đến cứu mình, không thì khỉ mặt đỏ đánh chết mất”.

Chỉ một cái bẫy thô sơ nhưng người A rem hay người Rục cũng kiếm được thức ăn tươi ở hang đá giữa rừng xanh.

Chỉ một cái bẫy thô sơ nhưng người A rem hay người Rục cũng kiếm được thức ăn tươi ở hang đá giữa rừng xanh.

Nhưng đó là nơi chốn khô ráo còn mồi được lửa, còn lúc gặp hoạn nạn giữa lũ cuộn họ truyền tin cách nào? Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, Nguyễn Chí Sĩ kể cho chúng tôi câu chuyện kỳ lạ, những người A rem đi lạc giữa rừng, gặp lũ cuốn, họ đu bám trên cây 3 ngày, người bản đi kiếm, tưởng họ mất tích do lũ, nhưng không, qua cách giao tiếp riêng bí ẩn, họ đã định vị được nhau và tìm nhau về nhà. Sự bất ngờ ấy được tiết lộ là họ tận dụng tiếng kêu báo động của loài vượn đen má trắng vẫn thường sống quanh vùng người A rem ở. Từ ngàn xưa, đồng bào A rem đã biết học được tiếng “hát” báo động và những điệu âm khác của loài vượn đầy bí ẩn này.

Đinh Rầu kể: “Người A rem xưa khi còn ở hang đá đã lợi dụng tiếng kêu của vượn đen này để theo chúng đi tìm quả ăn trên cây. Và khi con người A rem trả ơn lại thì cũng giả tiếng hót của chúng để chúng đến ăn cùng cây quả mà người A rem tìm ra”, mối quan hệ qua lại đã nhiều đời như thế. Và mùa lũ năm 1995, 3 người A rem bị lũ cuốn, họ đã dùng tiếng hú ở cấp báo động của loài vượn đen này để cấp báo, không ngờ, bầy vượn đã chuyền cành hú gấp về cuối bản, Đinh Cu, Đinh Lầu nghe được, đáp trả, huy động dân bản chạy theo bầy vượn và đã tìm được anh em thất lạc trong lũ. Họ mắc trên thân cây cao đến 60m, lũ lúc đỉnh điểm cao đến chừng đó, nhưng khi nước rút họ không thể đi xuống do thân cây quá lớn không ôm xuể để tạo điểm tựa trèo xuống. Những người giải cứu đã chặt dây mây, vòng qua cây cổ thụ, tạo độ bám, trèo lên ngọn, đưa từng dây mây cho anh em của mình đi xuống và về nhà.

Đó là kỹ năng học hỏi túi khôn của loài vật để người A rem đi trước những hiểm họa gặp phải, và cho đến nay, kỹ năng đó chỉ còn sót lại ở một số người có tuổi luôn nhớ hang đá và về sống trong đó khi nhớ rừng.

        Sự trùng hợp với thổ dân Nam Mỹ

Những thổ dân da đỏ ở Nam Mỹ được các kênh truyền hình khám phá trình chiếu, cho thấy họ có cách đánh bắt cá rất cổ, dùng thân leo hoặc rễ một thứ cây trong rừng rậm, đập nát ra, đưa đến đầu nguồn nước thả xuống, sau đó về hạ nguồn bắt cá.

Người A rem cũng có cách bắt cá y hệt như thế tại khu vực suối họ ở. Loài cây đó có chứa chất đốt cháy ô xy trong nước, làm các loài cá bị say nước, ngoi lên bề mặt để thở và chúng bị tóm. Loài cây ấy theo tiếng A rem là cây khăm. Cây khăm mọc nhiều trong rừng sâu, với người A rem, cây khăm là loài cây tạo ra thức ăn tươi để họ tiếp tục sinh tồn giữa núi rừng đá vôi khắc nghiệt.

Đinh Đu nói: “Cây khăm dùng bắt cá hay lắm, dân mình đi từng tốp vào rừng, lấy rễ khăm, rễ chạy dài trên mặt đất có lượng độc cao hơn loại rễ sâu dưới đất. Chất độc này mình không biết chất gì, chỉ nghe cha ông truyền lại là độc với cá nhưng không độc với người. Tìm đủ nhiều thì ra suối, dùng que gỗ đập nát rễ trên các hòn đá ven suối, đập càng nhiều càng tốt, sau đó thả toàn bộ rễ khăm xuống đầu nguồn nước, nơi dân mình thấy nhiều cá”. Ở dưới nguồn nước, cách nơi thả rễ cây khăm chừng 500m, một nhóm người chờ dưới đó, họ lấy mây rừng đan lại với nhau và kéo ngang con suối để chắn cá, lươn, ếch bị say thuốc. Một bữa bắt cá như thế thường mất hơn một buổi và cá thu về khá nhiều, người đi bắt cá còn chia cho người ở nhà để cùng nhau vượt qua những ngày khó khăn.

Kỹ năng tìm kiếm cá của người A rem tình cờ trùng khớp với một số bộ tộc ở Nam Mỹ và châu Phi, mặc dù họ hoàn toàn không có mối liên hệ với nhau. Có chăng, chính hoàn cảnh sống đã buộc họ khám phá những tố chất tự nhiên của núi rừng qua nhiều thế hệ để chọn cho mình các tính toán phù hợp và vượt trội trước khắc nghiệt của rừng mưa nhiệt đới.

Với người A rem, cách tìm kiếm thức ăn trong rừng còn phong phú và kỳ lạ hơn. Họ chọn cách tìm muối trong khắc nghiệt cũng độc đáo. Họ có hai cách tạo ra muối, ấy là đốt những vạt cỏ tranh cạnh bản, lấy muội than của nó cho vào các nồi canh, hoặc đồ kho chín để ăn, muội than từ cỏ tranh có chất mặn giúp họ không thiếu muối. Những kiểm lâm ở Trạm 39 sống đối diện với bản A rem kể, trước đây khi gia đình A rem còn sống dưới hang đá, rất khó tiếp cận muối ăn, họ đã có cách tạo muối từ chuột sống bị sập bẫy. Những con chuột rừng khá to mắc bẫy, họ chưa vội đưa nướng mà để chúng bị ruồi nhặng bu vào, bốc mùi phân hủy, lúc đó họ đưa ra nướng, mùi thịt không thơm, khó chịu nhưng có độ mặn cần thiết để chống thiếu muối. Các kiểm lâm nhìn vào cách ăn đó thấy quá mất vệ sinh, nhưng người A rem giải thích đó là cách để tránh phù thủng lâu ngày không có muối ăn.

Xa xa trong các góc rừng của Việt Nam vẫn còn đâu đó những người anh em của chúng ta chưa có ánh điện và những điều văn minh hiện đại, nhưng họ có các kỹ năng sinh tồn khéo léo giữa rừng xanh. Dù khó khăn họ vẫn bảo tồn được cuộc sống cho con cháu, để một ngày nào đó, họ hy vọng sẽ được hòa đồng với anh em miền xuôi trong cuộc trường chinh giúp sức của các dự án nhân văn mà chúng ta đưa lại.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục