Sinh viên đi làm thêm: Hãy cẩn thận

Sinh viên đi làm thêm: Hãy cẩn thận

Tết đến cũng là thời điểm nhiều sinh viên (SV) đi kiếm việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống, việc học hành, mua sắm... Nhiều bạn nhờ vậy trong túi cũng rủng rỉnh, nhưng cũng không ít bạn đã gặp cảnh dở khóc dở cười.

Một sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng đi làm tiếp thị bánh hộp trước một siêu thị. Ảnh: Thanh Tâm

Một sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng đi làm tiếp thị bánh hộp trước một siêu thị. Ảnh: Thanh Tâm

Linh, SV năm 2 Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại quê Quảng Ngãi, hàng tháng được gia đình gửi cho 1,5 triệu đồng, khéo lắm mới đủ trả tiền phòng, điện nước, mua tài liệu… Đã có kinh nghiệm từ năm ngoái, Linh quyết định lên mạng tìm việc làm sớm hơn, hy vọng có tiền trả nợ và còn dư về quê ăn tết. Linh kiếm được công việc phục vụ cà phê gần nơi ở với tiền công 1,2 triệu đồng, làm từ 18 giờ đến 23 giờ. Vậy nhưng lúc nào cũng phải hơn 1 giờ sáng, Linh mới về tới nhà.

Không tìm được việc như Linh, Thảo, SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhận công việc phát tờ rơi 50.000 đồng/giờ tại một trung tâm việc làm. Công việc đơn giản nhưng ngoài 50.000 đồng tiền hồ sơ xin việc Thảo phải nộp 300.000 đồng thế chân, làm được một tháng sẽ trả lại. Khác bạn bè, Đăng, học ngành công nghệ thông tin Trường CĐ Giao thông Vận tải, chọn việc làm trên mạng, những mong kết hợp học và hành.

Đăng được giới thiệu công việc nhập dữ liệu trang web, hàng ngày không phải lên công ty, chỉ ở nhà lên mạng vào đúng giờ đó và bắt đầu công việc, thù lao 100.000 đồng/2 giờ. Để nắm rõ, Đăng đã đến địa chỉ, thấy là công ty mạng nên cũng yên tâm. Hai tuần đầu Đăng được trả tiền qua tài khoản, nhưng sau đó làm được hơn 1 tháng mà chẳng thấy tiền đâu.

Thấy đi làm về khuya không an toàn, giờ làm tăng thêm mà tiền công vẫn vậy, lại ảnh hưởng việc học nên làm được một tháng Linh xin nghỉ. Đến quán xin nhận tiền công thì lần nào cũng gặp cảnh: chưa có tiền, chủ đi chơi… nên phải rất nhiều lần cô mới được trả tiền.

Còn Thảo làm được 2 ngày, lúc nào về trung tâm cũng bị trách mắng, nào là phát tờ rơi không đúng đối tượng, nào là yêu cầu chỉ phát cho nam nhưng vẫn có trường hợp phát cho nữ (nhầm lẫn lúc đông người quá, hoặc có người xin không lẽ không đưa)… và cứ mắc lỗi là bị trừ lương. Làm được 3 ngày thì Thảo bị trung tâm đuổi việc, chỉ nhận được 100.000 đồng khi trung tâm đã trừ hết lỗi sai.

Lúc đó cô mới biết nhiều trường hợp bị đuổi việc vì những lý do vớ vẩn tương tự, trung tâm vừa được tiền thế chân của sinh viên vừa được trả tiền từ người nhờ phát tờ rơi. Còn Đăng, hơn 1 tháng vẫn chưa được trả thù lao, Đăng quyết định lên công ty, được cho biết công ty chưa từng thuê sinh viên. Đăng lên lại trang web mình tìm được việc thì thấy không còn mục đó, mới biết do bất cẩn không chịu vào công ty hỏi kỹ trước khi làm, cứ nghĩ đã thấy công ty đúng với địa chỉ ghi trên mạng là có thiệt.

Chiêu lừa này đã khiến không ít sinh viên công nghệ thông tin sập bẫy.

Mùa tết là thời điểm có nhiều việc để các sinh viên kiếm thêm tiền. Để không bị lợi dụng mong các bạn tỉnh táo, nên đến những trung tâm lớn, có uy tín hoặc qua bạn bè tin cậy giới thiệu để tìm được công việc phù hợp.

Các bạn cũng đừng quên có rất nhiều địa chỉ giới thiệu việc làm được nhiều người biết đến như Trung tâm Hỗ trợ sinh viên (33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TPHCM (4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1)…

Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục