Gia đình khó khăn, không ít sinh viên ở tỉnh lên Hà Nội hay TPHCM nhập học với hành trang chỉ là những đồng tiền ít ỏi mà bố mẹ chắt chiu từ hạt lúa, con gà… Giá cả đắt đỏ, tiền nhà, điện, nước, tiền ăn và chi tiêu cho các mối quan hệ bạn bè khiến không ít sinh viên đau đầu vì không thể cân đối chi tiêu.
Làm thêm kiếm sống là giải pháp hợp lý và hữu hiệu nhất, đó cũng là cách để biết sống tự lập và tự tin vào đời. Tuy nhiên, đường đời không bằng phẳng, thường rất cam go và nhiều bất trắc đối với các bạn trẻ thiếu vốn liếng, kinh nghiệm sống và làm ăn.
Cách đây 1 năm, Toàn, sinh viên năm 3 Đại học Văn Hiến TPHCM, khi đang làm thêm công việc giao hàng cho một hãng điện tử, gặp được một người trong giới buôn bán đồ điện tử rủ hùn vốn mua hàng lậu từ Trung Quốc về bán. Nghe được hứa hẹn số tiền lãi khổng lồ, Toàn sẵn sàng đi vay vốn với lãi suất 5%/tháng để có tiền hùn vốn. Ban đầu, Toàn nhanh chóng kiếm được khoản lời khá lớn nên càng muốn đầu tư thêm để mở rộng quy mô làm ăn. Tiền vay ban đầu chưa trả, lại vay thêm, lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi đó việc kinh doanh sau thời gian đầu sôi động đã ngày càng ế ẩm.
Số tiền vay 30 triệu đồng ban đầu đã nhanh chóng biến thành 120 triệu đồng. Không xoay được tiền trả nợ, Toàn thường xuyên bị chủ nợ cho “đàn em” tới nhà trọ, trường học, thậm chí còn chặn giữa đường để đòi nợ. Gia đình quá khó khăn không xoay được số tiền lớn như vậy để trả nợ, không còn nơi bấu víu, Toàn đành phải bỏ học, trốn lên Kon Tum để xù nợ.
Phúc, sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng ở Hà Nội cũng phải bỏ học vì nợ nần. Phúc rất nhanh nhẹn, hoạt bát nên dù chưa ra trường vẫn tìm được một việc làm thêm khá tốt trong một công ty xây dựng. Thấy một vài “đàn anh” trong công ty kiếm được cả trăm triệu đồng một cách nhanh chóng từ việc kinh doanh vật liệu xây dựng, nên Phúc không chần chừ khi được rủ hùn vốn mua thép về trữ chờ khi lên giá sẽ bán ra kiếm lời.
Phúc đổ hết tiền đã tích cóp suốt mấy năm đi làm thêm, vay mượn thêm người thân và cả vay lãi theo ngày để “làm ăn lớn”. Ngay thương vụ đầu tiên, giá thép không những không lên mà còn rớt liên tục vì thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo ngành xây dựng cũng lao đao.
Vốn mất, lãi cao, số nợ của Phúc chẳng mấy chốc lên đến 500 triệu đồng. Quá sợ hãi vì những lời đe dọa đòi nợ của những kẻ cho vay nặng lãi, lại xấu hổ với người thân vì không trả được nợ, Phúc đã phải bỏ học, trốn vào miền Trung. Nhưng như vậy vẫn chưa yên, chủ nợ tìm về tận nhà buộc gia đình Phúc trả nợ. Gia đình Phúc đã phải bán nhà nhưng vẫn không đủ trả nợ, vì vậy đến nay Phúc vẫn phải sống lây lất, không dám trở về nhà.
Vì nợ nần chồng chất không khả năng thanh toán, nhiều sinh viên đã phải bỏ học trốn nợ, vứt bỏ cả tương lai của mình. Trong thời gian gần đây, số sinh viên lâm vào tình cảnh này có chiều hướng gia tăng. Do vậy các bạn sinh viên hãy cân nhắc thật kỹ trước khi vay vốn đầu tư làm ăn, kiếm sống. Bởi lẽ những bạn trẻ chưa có kinh nghiệm và không có vốn sẽ rất dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ cho vay nặng lãi hoặc lừa đảo.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm có biện pháp ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi đã và đang ăn sâu vào môi trường học đường.
Thu Hường