Sinh viên hóa mê xử lý hạt nhựa

Khi còn nhỏ, Fionn Ferreira đã dành hàng giờ để khám phá bờ biển gần nhà ở Ballydehob, Tây Nam Ireland. Nhưng càng ngày anh càng cảm thấy bất lực trước tình trạng rác nhựa tràn ngập bãi biển và trên biển. 
Fionn Ferreira bên bờ biển đầy rác thải nhựa
Fionn Ferreira bên bờ biển đầy rác thải nhựa

Trên khắp thế giới, con người ước tính thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm và ít nhất 10 triệu tấn trôi ra đại dương.

Ferreira, 20 tuổi và là sinh viên hóa học tại Đại học Groningen, Hà Lan thực sự lo lắng khi biết những loại hạt nhựa này sẽ tồn tại trong môi trường của chúng ta hàng ngàn năm. Hiện vẫn chưa rõ tác hại cụ thể đối với sức khỏe như thế nào khi chúng ta hít phải hay nuốt các hạt nhựa này. Tuy nhiên, hóa chất được sử dụng trong nhựa có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như ung thư, bệnh tim và sự phát triển kém của thai nhi. 

Từ đó, Ferreira bắt đầu nghiên cứu cách xử lý. Anh trộn dầu thực vật với bột oxit sắt để tạo ra chất lỏng từ tính, còn được gọi là ferrofluid. Sau đó, anh dùng hạt nhựa từ các vật dụng hàng ngày như chai nhựa, sơn, lốp ô tô… để hòa vào ferrofluid. Ferreira sử dụng một nam châm để hút dung dịch có chứa hạt nhựa này, chỉ còn lại nước. Sau 5.000 thử nghiệm, phương pháp của Ferreira có hiệu quả 87% trong việc tách hạt nhựa khỏi nước.

Ferreira đang tìm hiểu thiết kế một thiết bị lọc để thu giữ các hạt nhựa khi nước chảy qua. Thiết bị này sẽ đủ nhỏ để lắp bên trong các ống nước. Anh cũng đang nghiên cứu một hệ thống lọc có thể được trang bị trên các con tàu để làm sạch hạt nhựa trên đại dương.

Tin cùng chuyên mục