Sổ tay: Chênh!

Điểm 1, điều 22, Quy chế 43 về đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007 quy định rõ: “Điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần của sinh viên được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), làm tròn đến một chữ số thập phân”. Quy định là vậy nhưng trên thực tế hiện nay ở các trường áp dụng mỗi nơi một kiểu.

Điểm 1, điều 22, Quy chế 43 về đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007 quy định rõ: “Điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần của sinh viên được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), làm tròn đến một chữ số thập phân”. Quy định là vậy nhưng trên thực tế hiện nay ở các trường áp dụng mỗi nơi một kiểu.

Đơn cử ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng thang điểm 4 cho việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên, ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM sử dụng thang điểm 100, ĐH Cần Thơ dùng thang điểm chữ A, B, C, D, E, F..., trong khi đại đa số các trường còn lại dùng thang điểm 10 theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Bên cạnh đó, ngay trong việc làm tròn điểm số, nếu như ĐH KHXH&NV TPHCM cho phép làm tròn điểm lẻ đến 0,25 thì ĐH KHTN TPHCM chỉ xét đến 0,5. Tròn trĩnh hơn, hai trường ĐH Sài Gòn và ĐH Y Dược TPHCM chỉ tính điểm nguyên (như 8,0; 9,0), không xét điểm lẻ thập phân. Ngoài ra, theo quy định về điểm số của Trường ĐH Sài Gòn, tất cả giảng viên chỉ nộp bảng điểm thô, không làm tròn số về cho phòng đào tạo, sau đó tất cả bảng điểm này sẽ được nhập vào một phần mềm máy tính làm tròn điểm trung bình được cài sẵn, áp dụng chung cho tất cả sinh viên.

Trong khi đó, đối với giảng viên ở Trường ĐH Nông Lâm, bảng điểm từng môn thành phần phải được làm tròn số trước khi gởi về cho phòng đào tạo. Điều đó vô hình trung dẫn đến việc mỗi thầy cô có một cách tính điểm và làm tròn số khác nhau, điểm tổng kết cuối cùng vì thế cũng có độ chênh nhất định. Song, tất cả những vấn đề đó chỉ dẫn đến vài sai biệt nho nhỏ trong cách tính điểm của sinh viên. Khác biệt lớn nhất phải kể đến là quy ước điểm đạt cho sinh viên ở từng học phần của các trường ĐH.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm đạt từng môn học của sinh viên được tính là trên 4, học phần nào có điểm bình quân dưới 4, sinh viên phải đóng tiền học lại hoặc thi lại ở kỳ thi phụ (nếu có). Tuy nhiên trên thực tế, các trường hiện nay đều áp dụng mức điểm đạt bình quân cho mỗi môn học là 5, dưới 5 sinh viên phải đóng tiền học lại/thi lại.

Như vậy, quy định một đằng, mỗi nơi áp dụng một nẻo, gây khó cho cả người học lẫn người dạy. Thầy cô “chạy show” nhiều nơi, mỗi nơi phải ghi nhớ một cách tính điểm khác nhau. Sinh viên đang học trường này muốn chuyển sang trường khác hoặc sử dụng bảng điểm sẵn có làm hồ sơ xét tuyển du học sẽ gặp không ít khó khăn. Giải pháp duy nhất được đưa ra lúc này, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM là các trường khi xuất phiếu điểm cho sinh viên nên xuất cả ba cột theo thang điểm 4, 10 và 100, giúp sinh viên không bị thiệt thòi khi chuyển đổi thang điểm. Tuy nhiên điều này hiện nay không phải trường nào cũng làm được

THANH TÂM

Tin cùng chuyên mục