Thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hàng loạt lãi suất chủ chốt kể từ ngày 26-3 được dự báo sẽ tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường. Trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế hiệu quả, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, lãi suất tiếp tục giảm là điều cần thiết để kích hoạt dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mức giảm chỉ 0,5% (từ 8%/năm xuống 7,5%/năm) đối với lãi suất tiết kiệm ngắn hạn (từ 1 đến dưới 12 tháng) cũng thể hiện quan điểm thận trọng của nhà điều hành khi kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được coi là mục tiêu hàng đầu của năm 2013.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc hạ lãi suất lần này là theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ. Tháng 3, lạm phát xuống dưới 7% (tính theo năm) và chỉ tăng 2,39% so với cuối năm 2012. Căn cứ vào diễn biến lạm phát và nhiều yếu tố khác, việc hạ trần lãi suất huy động ở thời điểm này là hợp lý. Vấn đề đặt ra là lãi suất huy động giảm 0,5% sẽ tác động thế nào tới lãi suất cho vay? Trên thực tế, lãi suất cho vay hiện vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Tại nhiều hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo NHNN với các địa phương thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh họ vẫn đang phải vay ngân hàng với lãi suất từ 13%-15%/năm nên tình hình sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn. Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng lên tiếng kêu gọi các ngân hàng nhanh chóng giảm lãi suất cho vay nếu không muốn mất khách hàng.
Chính vì thế, bên cạnh việc kéo giảm trần lãi suất huy động lần này, cơ quan quản lý cũng cần phải có biện pháp thu hẹp giữa lãi suất huy động và cho vay. Một động thái đáng ghi nhận là dù yêu cầu giảm 0,5% lãi suất huy động nhưng đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các nhu cầu vốn phục vụ các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), theo quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ phải giảm ngay 1% (từ 12%/năm xuống 11%/năm).
Ngoài ra, cần xác định rằng giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Theo phản ánh từ doanh nghiệp, để vay được vốn giá rẻ, điều kiện tín dụng rất khắt khe. “Vấn đề quan trọng hơn cả với doanh nghiệp hiện nay là chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chứ không phải là giảm một hay hai phần trăm lãi suất”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết.
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng mới chỉ khởi sắc trong thời gian ngắn gần đây. Theo số liệu thống kê mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 21-3, tăng trưởng tín dụng tăng 0,31% so với cuối tháng 2 và tăng 0,03% so với thời điểm 31-12-2012. Để vốn tín dụng chảy mạnh hơn vào sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc các ngân hàng thực sự giảm lãi suất cho vay, các giải pháp hỗ trợ thị trường khác cũng cần được thực hiện đồng bộ, trong đó tập trung vào giải quyết hai điểm nghẽn căn bản là nợ xấu và hàng tồn kho.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đề án xử lý nợ xấu và nghị định về thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia đang chờ Chính phủ thông qua để triển khai ngay từ đầu tháng 4-2013. Khi các chính sách này chính thức đi vào thực hiện, việc giảm lãi suất mới thực sự phát huy được hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bảo Minh