Sóc Trăng: Đổi mới từ Chương trình 135

Là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước, nên Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Sóc Trăng luôn xem việc thực hiện các chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng và nỗ lực triển khai hiệu quả.
Sóc Trăng: Đổi mới từ Chương trình 135

Là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước, nên Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Sóc Trăng luôn xem việc thực hiện các chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng và nỗ lực triển khai hiệu quả.

Giai đoạn 2 Chương trình 135 của tỉnh Sóc Trăng có tổng vốn đầu tư gần 349 tỷ đồng, gồm 4 hợp phần: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; dự án cơ sở hạ tầng; dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực; chính sách hỗ trợ, cải thiện dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật… Bà Dương Thị Kim Thúy, Phó ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chương trình 135 ở Sóc Trăng tiếp tục khẳng định chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đối với vùng sâu, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống. Những công trình từ nguồn vốn 135 được triển khai phù hợp với quy hoạch, đúng địa điểm và mục tiêu, đáp ứng nguyện vọng của người dân và đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng”.

Chương trình 135 đã giúp cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân các xã, ấp đặc biệt khó khăn, cụ thể là cải thiện hệ thống hạ tầng, giúp bà con chủ động chuyển đổi ngành nghề, giải quyết cơ bản việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó còn tạo ý thức trong giáo dục, như đưa con em đến trường đúng độ tuổi, hạn chế thấp nhất tỷ lệ con em bỏ học giữa chừng… Ngoài việc tập trung đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn, các chương trình đầu tư còn ưu tiên cho đổi mới phương thức sản xuất, giúp hộ nghèo có thể tìm được việc làm phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.

Ấp vùng sâu Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) ngày càng phát triển nhờ Chương trình 135. Ảnh: LỮ GIÀU

Đại đức Sơn Minh Hiền, trụ trì chùa Đơm Pô (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề), nhận xét: “Các dự án, công trình từ Chương trình 135 ở địa bàn xã đang phát huy hiệu quả rất tốt, bà con dân tộc rất mừng vì được Đảng, Nhà nước chăm lo. Tôi mong sao ngoài Chương trình 135, người dân còn được thụ hưởng các chương trình khác về vốn để mở rộng hiểu biếu về văn hóa dân tộc, biết thêm ngành nghề làm ăn để chăm lo đời sống bản thân và gia đình.” Với sự mong mỏi của bà con Khmer về thụ hưởng các chương trình Nhà nước đầu tư, bà Dương Thị Kim Thúy cho biết: “Giai đoạn 3 của Chương trình 135 ở Sóc Trăng được đầu tư 208 tỷ đồng với các hạng mục: Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng ở 44 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực 3, hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ Khmer nghèo trên tinh thần đảm bảo tính dân chủ, đúng đối tượng, đúng địa bàn thụ hưởng để đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong vùng dự án.”

Nhìn chung vẫn còn một số chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo triển khai chậm, kinh phí đầu tư chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân... Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến xã, đã có sự nỗ lực trong triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, phục vụ thiết thực cho người dân, tạo thêm điều kiện thuận lợi để bà con đẩy mạnh sản xuất, vừa  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TRỌNG DANH

Tin cùng chuyên mục