Sớm có chính sách đặc thù thúc đẩy TP Thủ Đức tăng tốc

TP Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước, đã đi vào hoạt động với bộ máy nhân sự dần được kiện toàn. Vấn đề tiếp theo người dân quan tâm, TP Thủ Đức sẽ bứt phá như thế nào để nơi đây là hạt nhân phát triển của TPHCM, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước, tránh là phép cộng cơ học về bộ máy và địa giới hành chính 3 quận (2, 9 và Thủ Đức cũ) nhập thành một?

Giải quyết trước bài toán hạ tầng

TP Thủ Đức có những nền tảng quan trọng như Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TPHCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được lập nên với nhiều kỳ vọng về một đô thị đi đầu sáng tạo của TPHCM. Vượt lên trên bình diện chung của TPHCM, TP Thủ Đức sẽ là nơi tiên phong, phát triển dựa trên kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế số gắn với môi trường sống thân thiện, phát triển bền vững… Với hạt nhân là TP Thủ Đức, TPHCM kỳ vọng sẽ có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng và đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM đã quy hoạch TP Thủ Đức với 8 trung tâm chức năng gắn với đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation, đối với TP Thủ Đức, hạ tầng là yếu tố quan trọng cần ưu tiên hàng đầu. “Xây nhà từ móng” - tức là phát triển một thành phố như TP Thủ Đức cần bắt đầu từ hạ tầng, tránh những vấn đề mà TPHCM đang đối mặt như kẹt xe, ngập nước, quá tải và xuống cấp hạ tầng. Nếu chỉ quẩn quanh giải quyết những vấn đề hạ tầng, cơm áo thì rất khó để sáng tạo, dành tâm sức cho những vấn đề lớn lao hơn.

Khu dân cư mới tại Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức được quy hoạch rộng lớn và hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Địa giới TP Thủ Đức cũng chính là không gian của đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM với nhu cầu vốn để đầu tư phát triển là rất lớn. Trong giai đoạn 2020-2025, chỉ tính riêng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông đã cần đến 30.000 tỷ đồng; chống ngập cần hơn 6.400 tỷ đồng… Ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM, đặt vấn đề, TP Thủ Đức sẽ rất cần một hạ tầng mạnh để đưa kinh tế số, kinh tế tri thức phát triển. Vấn đề là nguồn lực lấy từ đâu để đầu tư?

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng, chỉ cần TPHCM có được cơ chế, thì sẽ có nguồn để phát triển TP Thủ Đức, thực hiện Khu đô thị sáng tạo tương tác cao. “Chỉ riêng kiều hối gởi về TPHCM một năm đã hơn 5 tỷ USD. Rất nhiều kiều bào mong muốn được góp công góp sức cho quê hương, nhưng không biết TPHCM cần góp cụ thể việc gì. TPHCM có thể kêu gọi kiều bào, doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư một con đường, một công trình, một tòa nhà…, thậm chí có thể có cả công trình do kiều bào tặng. TPHCM có thể tri ân bằng cách gắn tên người tặng vào công trình. Có nhiều cách để nâng cấp hạ tầng TP Thủ Đức mà chỉ cần TPHCM có cơ chế, chính sách là tự động sẽ có tiền…”, ông Peter Hồng gợi mở.

Trao quyền mạnh mẽ, cắt giảm thủ tục

Thạc sĩ Lê Minh Tiến, Trường Đại học Mở TPHCM, đánh giá việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM là một dấu mốc trong việc quản trị đất nước. Kỳ vọng vào sự thành công của mô hình “thành phố trong thành phố” là rất lớn và do đó, để TP Thủ Đức có thể đạt được những thành tựu như kỳ vọng thì nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Một trong những khó khăn lớn nhất, theo ông Lê Minh Tiến, là chất lượng và tâm thế của cán bộ sẽ vận hành bộ máy hành chính của TP Thủ Đức. TPHCM đã hình thành khung bộ máy TP Thủ Đức, trong đó sử dụng lại rất nhiều cán bộ từ ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Đội ngũ này, lâu nay làm việc ở cấp quận thì họ có thể thích nghi tốt công việc với yêu cầu, nhưng cấp TP đòi hỏi cao hơn công việc họ từng làm. Theo ông Lê Minh Tiến, lãnh đạo TPHCM cần nhanh chóng có giải pháp để nâng cao chất lượng của những cán bộ này, để họ sớm thích nghi với đòi hỏi mới.

Một vấn đề quan trọng khác là phải thiết kế nền hành chính riêng cho TP Thủ Đức, khác với nền hành chính cấp quận trước đây. Tinh thần là cần tinh gọn các thủ tục hành chính, ứng dụng số hóa với yêu cầu nhanh hơn, hiệu quả hơn nền hành chính cũ. Do đó, sự phân quyền rõ ràng giữa TP Thủ Đức với TPHCM về tất cả các mặt cần được xác lập để làm tăng hiệu quả hoạt động của TP Thủ Đức.

TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng, việc sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức trở thành TP Thủ Đức thuộc TPHCM là cần thiết để quản lý đồng bộ. Dù vậy, để đảm bảo vận hành thành công mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương, cần có cơ chế đặc thù trong quản lý nhà nước khác hẳn so với các quận - huyện khác. Ông cho rằng: “Cơ chế quản lý đặc thù sao cho hiệu quả, chính là điểm nhấn quan trọng trong xây dựng đề án sắp tới. Cơ chế đặc thù cũng cần rà soát cẩn thận đối với từng lĩnh vực cụ thể, nếu không sẽ bị vướng trong quá trình vận hành sau này. Trọng tâm nhất là mạnh dạn trao quyền cho chính quyền và giảm thiểu các thủ tục cho nhà đầu tư khi đầu tư vào TP Thủ Đức”.

Cần chiến lược triển khai hiệu quả

Yếu tố để đề án đô thị sáng tạo tương tác cao thành công, không chỉ là vấn đề quy hoạch có tầm nhìn hay sáp nhập các quận. Điều quan trọng không kém là phải có lộ trình triển khai thích hợp, cùng cơ chế đặc thù trong quản lý kinh tế - xã hội, đô thị và thu hút đầu tư.

Trong chiến lược triển khai, trước hết, cần xác định tổng thể các hạng mục hạ tầng đầu tư và tính toán tổng vốn đầu tư tổng thể cho TP Thủ Đức. Từ đó, xác định các phương án huy động nguồn vốn đầu tư cho từng hạng mục. Khả năng huy động vốn là có hạn, nên cần xác định thứ tự ưu tiên đầu tư cho từng phân khu cụ thể. Các phân khu dễ thu hút đầu tư và mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư cần ưu tiên triển khai trước. Khi hoạt động của các đơn vị kinh doanh trong các phân khu, ưu tiên mang lại nguồn thu cho ngân sách và tạo được hiệu ứng lan tỏa thì triển khai tiếp các phân khu còn lại. Như vậy sẽ tránh được tình trạng dàn trải nguồn lực trong khi khả năng huy động không đảm bảo - là nguy cơ dẫn đến rủi ro thất bại đồng loạt, kéo dài thời gian thực hiện các quy hoạch.

TS HUỲNH THANH ĐIỀN, Đại học Nguyễn Tất Thành

Tin cùng chuyên mục