Sớm xử lý chất dioxin tồn lưu để chống lan tỏa ô nhiễm

“Hàng triệu người Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin, trong đó có cả thế hệ thứ 2, thứ 3. Khám, chữa bệnh, tư vấn sinh sản di truyền cho các nạn nhân để hạn chế sinh ra những đứa trẻ bị dị tật, giúp họ cải thiện đời sống là trách nhiệm và lương tâm của chúng ta”, ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp lần thứ ba của Hội đồng tư vấn Việt - Mỹ về chất da cam/dioxin (JAC) được tổ chức tại Hà Nội ngày 8-9.

JAC là diễn đàn song phương dành cho đối thoại khoa học cấp cao về chất da cam/dioxin, giúp hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về mức độ phơi nhiễm của dioxin và đưa ra những khuyến nghị dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học về sức khỏe con người và các tác động đối với môi trường của chất da cam/dioxin.

Tại cuộc họp lần này, đại diện của hai bên tiếp tục xem xét về mức độ phơi nhiễm đối với môi trường tại các điểm nóng ở Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng cũng như thảo luận về cách thức phân bổ nhanh và kịp thời khoản tiền 3 triệu USD được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2007 nhằm khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin.

Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33, đồng Chủ tịch JAC cho rằng, cuộc họp lần này cả hai bên đều đã hiểu rõ hơn về vấn đề dioxin ở Việt Nam và cùng nỗ lực để vượt qua các bất đồng. Vấn đề nghiên cứu về tác động của dioxin đối với sức khỏe con người còn khó khăn hơn do phải kéo dài và vô cùng phức tạp.

Theo ông Sơn cần xử lý sớm chất dioxin tồn lưu cao ở sân bay Phù Cát, Biên Hòa, Đà Nẵng và nhanh chóng đưa vào sử dụng hiệu quả 3 triệu USD để chống lan tỏa ô nhiễm và giúp đỡ trẻ em khuyết tật ở Đà Nẵng. 

X.Quang

Tin cùng chuyên mục