Sóng gió từ các cảng biển Mỹ

Sóng gió từ các cảng biển Mỹ

Vụ công ty nhà nước Dubai Ports World (DPW) của Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) giành quyền điều hành 6 cảng chính của Mỹ (ở New York, New Jersey, Baltimore, New Orleans, Miami và Philadelphia) từ Công ty Peninsula & Oriental Steam Navigation (P&O) của Anh trong thỏa thuận trị giá 6,8 tỷ USD đang gây nên những cơn bão trong chính trường nước Mỹ. Trong khi chính quyền của Tổng thống Bush kiên quyết bảo vệ thỏa thuận thì nhiều nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ tìm mọi cách để bác bỏ với lý do việc này đe dọa an ninh nước Mỹ.

  • Vì sao chính quyền Bush muốn ưu tiên DPW điều hành 6 cảng biển chính?

Sóng gió từ các cảng biển Mỹ ảnh 1

Một khu cảng biển Mỹ.

Nếu không vấp phải sự phản đối, thỏa thuận mua bán giữa DPW và P&O dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 3. Đây là vụ mua bán đầu tiên liên quan đến các hoạt động cảng biển Mỹ cho một công ty nhà nước của nước ngoài. Trước những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Mỹ, ngày 27-2, DPW và P&O đã đồng ý để Mỹ xem xét lại thỏa thuận trong thời hạn 45 ngày.

Bất chấp những phản đối dữ dội từ trong nước, Tổng thống Bush đe dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết nếu thỏa thuận không được Quốc hội thông qua. Lý do mà Nhà Trắng đưa ra là việc mua bán này không ảnh hưởng gì đến an ninh nước Mỹ. Họ lập luận UAE là một đối tác quân sự chắc chắn của Mỹ ở vịnh Persic.

Kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ, Dubai đã hỗ trợ Mỹ đắc lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Hơn 500 tàu chiến Mỹ neo ở cảng Dubai hồi năm ngoái và các máy bay chiến đấu Mỹ hỗ trợ các hoạt động ở Afghanistan và Iraq đều xuất phát từ Dubai. Mỹ cần những quốc gia như UAE, Qatar, Bahrain và Kuwait ở vùng Vịnh, đặc biệt trong bối cảnh hình ảnh Mỹ trong thế giới Hồi giáo ngày càng giảm sút.

Trong lúc thâm hụt thương mại giữa Mỹ và nhiều nơi đang hết sức nặng nề thì qua thỏa thuận này Mỹ lại có khoản thặng dư 7 tỷ USD, trong đó chưa kể thỏa thuận 10 tỷ USD bán máy bay Boeing cho UAE. Mỹ không muốn phá hỏng quan hệ với một đối tác thương mại tuyệt vời và hậu thuẫn quân sự mạnh mẽ như UAE.

Thực tế cho thấy, 360 cảng biển của Mỹ là cửa ngõ của 90% hàng hóa xuất nhập khẩu và được coi là tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố. Các công ty nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản và Đan Mạch) điều hành khoảng một nửa bến cảng ở bờ biển phía Đông và nắm giữ hầu hết ở bờ biển phía Tây. Vì vậy sự hiện diện của các công ty nước ngoài ở các cảng biển Mỹ không có gì mới.

Việc kiểm soát an ninh biển thuộc về các cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới trên đất liền và tuần duyên trên biển. Nói DPW không gây rủi ro an ninh cũng đúng. Tuy nhiên, vấn đề an ninh cảng biển luôn là thách thức vì lực lượng thanh tra mỏng và có khoảng 5% hàng hóa nhập cảng không được kiểm tra đầy đủ. 5% này là kẽ hở nguy hiểm mà người ta cho là lý do để ngăn chặn vụ mua bán.

  • Tài liệu “mật”

Theo tài liệu mà hãng thông tấn AP có được, những chi tiết liên quan đến vụ mua bán giữa DPW và P&O được xếp vào hồ sơ “mật” với những ưu tiên cho DPW được mô tả là chưa từng dành cho các công ty hàng hải. Thỏa thuận không áp đặt những giới hạn lộ trình trong khi công ty DPW đồng ý tiết lộ những hồ sơ về “phương hướng điều hành hoạt động ở nước ngoài” trong kinh doanh của họ tại các cảng Mỹ; cũng như hợp tác với Mỹ trong các cuộc điều tra an ninh trong tương lai. Những hồ sơ này chủ yếu bao gồm những chi tiết về thiết kế, duy trì hay hoạt động của các cảng và trang thiết bị.

Chính quyền Bush không đòi hỏi DPW phải giữ các bản copy hồ sơ kinh doanh trên đất Mỹ, hay lo ngại DPW sẽ trở thành chủ đề của các lệnh của tòa án; cũng như không yêu cầu công ty chỉ định một công dân Mỹ giám sát những yêu cầu của Mỹ. Các chuyên gia về luật pháp cho biết, đối với những ngành công nghiệp khác, những ưu tiên như thế chỉ xảy ra đối với những hợp đồng đã được sự tán thành của Quốc hội.

Để làm dịu bớt làn sóng chỉ trích, Nhà Trắng đã tiết lộ một vài cam kết mà họ đã thương thảo với DPW như phải có sự tham gia của lực lượng an ninh Mỹ khi phát hiện buôn lậu và các tàu chở nguyên liệu hạt nhân.

  • Cơn đau đầu của Tổng thống Bush

Đề tài cuộc chiến chống khủng bố và vụ ầm ĩ xung quanh DPW được tiên đoán sẽ là cơn đau đầu của Tổng thống Bush trong năm bầu cử giữa nhiệm kỳ 2006 này, và sẽ được phe đối lập khai thác triệt để. Những người phản đối cho biết họ sẽ thu thập đủ phiếu để vượt qua cả sự phủ quyết của Tổng thống Bush. Tại cuộc họp nghe về vụ DPW tại Quốc hội trong tuần này, những người phản đối đã giới thiệu các dự luật khẩn cấp để ngăn lại vụ mua bán.

Jim Saxto thuộc đảng Cộng hòa cho rằng trong trường hợp cần thiết, Quốc hội nên hành động độc lập tách khỏi Tổng thống, còn thượng nghị sĩ John Kerry thì đòi hỏi phải công bố đầy đủ thỏa thuận với DPW. Vụ mua bán giữa DPW và P&O đã khiến các đối thủ của Cộng hòa và Dân chủ “xích lại gần nhau”. Trong số những thượng nghị sĩ tham gia phản đối có lãnh đạo đa số thượng viện Bill Frist, Peter King, John Kerry thuộc đảng Cộng hòa, Hillary Clinton và Schumer thuộc đảng Dân chủ.

Phe phản đối chỉ ra rằng hai trong số những tên không tặc thực hiện vụ tấn công 11-9-2001 là công dân UAE và tổ chức khủng bố Al Qaeda đã chuyển tiền thực hiện vụ tấn công qua qua các ngân hàng của UAE.

Những người phản đối còn nghi ngờ có mối liên hệ giữa thỏa thuận với David Sanborn, cựu Giám đốc điều hành các hoạt động của DPW ở châu Âu và Mỹ Latinh, vừa được Nhà Trắng chỉ định làm nhà điều hành mới của Cơ quan Điều hành đường thủy của Bộ Giao thông.  

ĐỨC ANH
(
Tổng hợp từ MSNBC, IHT, NYT)
 

Tin cùng chuyên mục