Ngày 2-2, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ tăng cường triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa tại vùng Vịnh Persia với lý do “ngăn ngừa một cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Tehran”. Ông M.Ahmadinejad cho rằng, Washington đang tìm cách gieo mối bất hòa cho các nước trong khu vực với mục đích giải quyết vấn đề chính trị và kinh tế riêng của họ.
Tướng Mỹ David Petraeus cho biết, Mỹ đã triển khai 8 trận địa tên lửa Patriot tại Qatar, Bahrain, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, mỗi nơi có 2 trận địa. Việc triển khai hệ thống phòng thủ này diễn ra khi Thượng viện Mỹ ngày 28-1 bỏ phiếu dự luật tăng cường hình phạt dành cho Iran.
Theo giới phân tích, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở ngoài khơi bờ biển Iran và một loạt nước láng giềng Arab của Iran tại vùng Vịnh chắc chắn sẽ thổi bùng căng thẳng tại khu vực chiến lược dầu mỏ của thế giới. Giáo sư Anoush Ehteshami, chuyên gia về Iran và vùng Vịnh của Trường Đại học Durham ở Anh, nói: “Phía Iran sẽ coi hành động này là “phát súng mở màn” gây áp lực gián tiếp của Mỹ đối với họ bằng cách mở rộng chiếc ô an ninh ra các nước láng giềng của Iran”.
Giám đốc Viện Phân tích quân sự Cận Đông và vùng Vịnh ở Dubai, ông Riad Kahwaji, cũng cho rằng việc triển khai tên lửa của Mỹ ở vùng Vịnh sẽ làm “gia tăng căng thẳng” trong khu vực và khiến mọi người luôn bất an với cảm giác “chiến tranh luôn rình rập”.
Có thể nói, bằng việc triển khai hệ thống phòng thủ này Mỹ đã thành công trong kế hoạch được gọi là một mũi tên trúng nhiều mục tiêu. Thứ nhất, như phía Tehran nói, Mỹ đã tạo ra mối bất hòa giữa Iran và các nước láng giềng trong vùng Vịnh, tạo ra căng thẳng mới trong khu vực và đẩy Iran vào thế bị cô lập. Thứ hai, bằng cách tạo sự căng thẳng và thổi phồng nguy cơ chiến tranh, Mỹ sẽ khiến các nước vùng Vịnh mở rộng ngân sách cho quốc phòng và con đường phòng thủ hữu hiệu nhất là mua vũ khí của Mỹ.
Mà về chiến thuật gây lo sợ thì Mỹ được xem là “bậc thầy”. Còn nhớ sau vụ khủng bố tòa Tháp đôi ở New York ngày 11-9-2001, báo chí Mỹ tố cáo chính quyền Bush lúc bấy giờ đã “khủng bố” chính người dân bằng những cảnh báo về khủng bố, để nhân dân ủng hộ việc tăng chi phí quốc phòng, mở rộng chiến tranh, kiểm soát thông tin cá nhân của công dân…
Bằng chứng về khả năng thổi phồng mối nguy cơ rõ ràng nhất là việc Mỹ lấy cớ Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công nước này. Lúc đó các nước vùng Vịnh cũng một phen lo sợ bị Iraq tấn công. Nhưng rồi sau đó, quân đội Mỹ đã xới tung cả Iraq lên nhưng cũng không phát hiện được gì.
Hậu quả của những chiến dịch thổi phồng nguy cơ là một đất nước Iraq hoang tàn trong chiến tranh, hàng chục ngàn người Iraq đã chết, hàng ngàn người con của các bà mẹ Mỹ bỏ xác ở thành cổ Baghdad, một cựu Thủ tướng Anh bị tòa án công luận chất vấn…
Còn các quan chức chính quyền Mỹ chỉ được chứ không mất gì, vì họ đã tạo cơ hội cho các ông trùm sản xuất vũ khí và lái súng đã giàu càng trở nên giàu hơn, rồi sau chiến tranh là cơ hội làm giàu của các nhà thầu tham gia tái thiết đất nước vừa bị tàn phá bởi chiến tranh.
VIỆT ANH