
Thời gian gần đây, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và cũng có không ít người, đặc biệt là các hộ dân sống trong khu vực ven bãi sông Hồng thuộc thủ đô Hà Nội nơm nớp, âu lo là trong khi dự án “thành phố bên bờ sông Hồng” do TP Hà Nội mời các chuyên gia của Hàn Quốc xây dựng vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng, còn “treo” lơ lửng trên đầu hàng chục vạn hộ dân thì lại có thêm một dự án mới mang tên trị thủy sông Hồng do Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đưa ra. Điều này càng khiến dư luận thêm phần xôn xao.
Rút bớt 13.000 hộ dân ra khỏi “tầm ngắm” quy hoạch
Ban đầu, dự án của Viện Quy hoạch thủy lợi đưa ra là sẽ di dời 26.122 hộ dân với tổng kinh phí là 34.000 tỷ đồng. Trong đó, phần đền bù chiếm đến gần 24.000 tỷ đồng. Còn lại các hạng mục như xây đê bao, nạo vét... chỉ có khoảng 10 ngàn tỷ đồng.
Mới đầu, các chuyên gia đều cho rằng, dự án trị thủy sông Hồng sẽ là một bước “dọn đường” cho dự án “thành phố bên bờ sông Hồng” sớm được triển khai, trở thành hiện thực. Thế nhưng, cho đến nay, cả hai dự án đều chưa tìm được tiếng nói chung và đều khiến cho nhiều hộ dân cảm thấy “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Người dân sống hai bên bờ sông Hồng lo lắng vì các dự án quy hoạch.
Cụ thể, quan điểm của Bộ NN-PTNT thì trước hết, sông Hồng phải đảm bảo được yêu cầu thoát lũ cho Hà Nội nói riêng và vùng hạ du nói chung. Theo đó, sẽ phải di dân nằm dọc hai bên để nạo vét lòng sông. Song theo mục đích của dự án “thành phố ven sông Hồng” thì sẽ biến 2 bên bờ sông Hồng thành những khu đô thị sầm uất, hiện đại.
Di dân trên một diện tích rộng, trải dài hơn 40km là một vấn đề rất lớn và nan giải. Điều mà ngay cả các chuyên gia và người dân đều tỏ ra e ngại, hồ nghi là các dự án “bốc” dân cư ra khỏi khu vực sông Hồng sẽ trở thành những “dự án treo” khổng lồ không có lời giải. Bởi vậy, khi dự án “thành phố bên bờ sông Hồng” ra đời đã ngay lập tức bị dư luận phản đối kịch liệt.
Cho đến nay, cả Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội đã trải qua khá nhiều cuộc bàn thảo. Trong quá trình bàn thảo, phía UBND TP Hà Nội và một số chuyên gia cho rằng, nếu phải di dời quá nhiều hộ dân thì dự án sẽ rất khó thực hiện. Bởi vậy, trong cuộc họp ngày 16-10, Viện Quy hoạch thủy lợi đề xuất chỉ di dời 22.125 hộ. Song UBND TP Hà Nội vẫn không phê duyệt bởi hơn 20.000 hộ dân phải “bốc” ra khỏi sông Hồng vẫn là một con số lớn.
Cuối cùng, mới đây, cả hai bên đành phải đi đến một quan điểm chung là “rút” bớt tổng số hộ dân cần phải di dời xuống gần một nửa. Theo đó, phương án mới nhất là sẽ chỉ có khoảng 13.771 hộ dân cần phải di chuyển ra khỏi khu vực sông Hồng. Theo phương án mới, phía bờ hữu sông Hồng sẽ di dời 11.279 hộ dân. Phía bờ tả sông Hồng di dời 2.492 hộ.
Lại thêm một dự án treo?
Song hiện nay, cả hai dự án lại đang nảy sinh những mâu thuẫn mới. Theo quan điểm của các chuyên gia lập dự án “thành phố bên bờ sông Hồng” thì với phương án như trên, họ sẽ đắp thêm ở mỗi bên bờ sông một con đê nữa, nằm ở bên ngoài đê chính hiện nay, nâng tổng số đê nằm dọc sông Hồng đoạn qua Hà Nội lên 4 con đê. Lý do mà các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng cần phải xây thêm đê mới ở vòng ngoài là để đảm bảo an toàn cho Hà Nội khi lưu lượng lũ trên sông Hồng là 20.000m³/giây và sau khi chỉnh trị sông, mực nước trung bình tại trạm Hà Nội sẽ giảm xuống 14cm so với mức cũ, nhằm ổn định dòng chảy khi gặp lũ.
Tuy nhiên, TS Vũ Hồng Châu - Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi đồng thời là chủ nhiệm dự án thoát lũ sông Hồng - lại cho rằng, mục đích mà các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra chỉ là bảo vệ cho vài ngàn hộ dân sẽ được quy hoạch ở khu vực giữa 2 vòng đê. Trong khi, việc xây dựng thêm hai con đê mới dọc sông Hồng sẽ vô cùng tốn kém. “Trên thế giới, chưa có nước nào làm 4 con đê cho một con sông” - ông nói.
Tuy nhiên, ngay cả việc Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội đồng ý rút bớt hàng ngàn hộ dân ra khỏi dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, đồng nghĩa với việc “cởi” bỏ giúp họ mối lo nơm nớp sẽ bị di dời ra khỏi nơi đang “an cư lạc nghiệp” mà gần 2 năm nay họ phải hứng chịu, nhưng nhiều chuyên gia về thủy lợi vẫn cho rằng, dự án của Bộ NN-PTNT vẫn là rất khó thực hiện bởi hơn 13.000 dân không phải nhỏ, trong khi Hà Nội lại đang rất khó khăn về quỹ đất tái định cư.
Thêm nữa, những hộ dân vẫn đang tiếp tục nằm trong vòng ngắm quy hoạch của cả hai dự án trên cũng sẽ tiếp tục phải sống cảnh “như ngồi trên lửa” vì chẳng biết đến bao giờ thì phải di dời và có di dời thật hay không, nhà cửa vẫn khó chuyển nhượng, bất động sản vẫn đóng băng, nhà cửa xuống cấp nhưng không dám đầu tư xây dựng mới… Nhiều người dân than vãn rằng: “Chúng tôi sống trong âu lo lâu quá rồi mà chẳng biết đến khi nào tình trạng này được giải tỏa”.
Tại nhiều khu vực, phương án mà UBND TP Hà Nội cùng các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra và phương án của Bộ NN-PTNT cũng rất “vênh” nhau. Chẳng hạn, theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội thì khu vực bãi bồi ở huyện Thanh Trì sẽ có một vùng dân cư rộng lớn gồm 3.371 hộ bị di dời vì sau khi chỉnh trị sông, đây sẽ là vùng ngập lũ. Nhưng Viện Quy hoạch thủy lợi lại cho rằng, cần phải bảo vệ khu đất trên. Ngoài ra, ngay tại khu vực làng cổ Bát Tràng, xã Kim Lan, Văn Đức (Long Biên - Hà Nội) thì cả 2 bên vẫn chưa thể thống nhất là di dời hay bảo tồn, bảo vệ. |
VĂN PHÚC HẬU