
Sông Hương vừa được Trung tâm Di sản thế giới đề nghị lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Thế nhưng thời gian gần đây, vẻ đẹp của con sông này bị đe dọa trước vấn nạn khai thác cát sạn trái phép. Hậu quả là hai bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng; làm suy giảm đáng kể sự đa dạng sinh học của dòng sông.
Có cát là... hút

Việc quản lý, xử phạt chưa nghiêm khiến tình trạng khai thác cát sạn ngày càng nghiêm trọng
Hiện tại, mỏ cát sạn có trữ lượng lớn nhất Thừa Thiên - Huế tập trung ở thượng nguồn sông Hương đoạn chảy qua địa bàn huyện Hương Trà dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu xây dựng ngày một lớn, đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay. Thị trường khan hiếm, đội quân hút cát ngang nhiên huy động sà lan neo đậu, hút cát và mua bán cát sạn trái phép ở mọi vị trí trên sông Hương.
Ông Phạm Hữu Sanh, cán bộ địa chính xã Phú Thanh (huyện Phú Vang), cho biết, các đối tượng khai thác cát đã dùng sà lan công suất 70 - 100m3 thay thế phương tiện hút cát thủ công là thuyền gỗ công suất 3m3 ngang nhiên tận thu cát sạn trái phép ngay sát khu dân cư. Đã 3 tháng qua, ngày nào cũng vậy, từ 4 giờ sáng đến 15 giờ chiều, đội quân “cát tặc” gồm 10 sà lan và một số thuyền nhỏ nối đuôi nhau từ TP Huế đổ xô về hạ lưu sông Hương, đua nhau khai thác cát.
Sạt lở và xâm hại di tích

Bờ sông Hương sạt lở, nhiều hộ dân đành đập bỏ nhà cửa, di chuyển đồ đạc đi nơi khác
Hậu quả trước mắt của nạn khai thác cát sạn trái phép là đôi bờ sông Hương dài khoảng 1km từ xã Hương Thọ đến Thủy Bằng vốn trù phú hoa trái nay bị sạt lở mất hàng chục mét đất mỗi năm, hàng trăm nhà cửa và một số di tích lịch sử văn hóa ven sông đã được công nhận như di tích thác Bái Châu, Điện Hòn Chén, đình làng Quy Lai… đứng trước nguy cơ bị kéo xuống sông.
Chưa hết, số người khai thác cát còn ngang nhiên sử dụng thuyền tải trọng lớn vận chuyển hàng trăm mét khối cát mỗi ngày về tập kết tại khu vực Cồn Hến (phường Vĩ Dạ, TP Huế) tiêu thụ làm thay đổi và thu hẹp dòng chảy. Máy tải cát từ thuyền lên bãi sát bờ sông hoạt động theo áp lực ống dẫn nước. Nước trào ra từ ống tải cát chảy từ cao xuống thấp đã cuốn theo một lượng lớn cát vừa được tải từ thuyền lên bãi xuống mặt sông, bồi lấp lòng sông, thu hẹp dòng chảy gây sạt lở phía bờ sông bên kia bãi cát. Lưu lượng dòng chảy thay đổi trái quy luật đã tạo điều kiện cho bèo, rong phát triển mạnh, làm suy giảm đáng kể đa dạng sinh học của dòng sông Hương.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng khai thác cát sạn bừa bãi trên sông Hương, ông Phạm Viết Mân, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an Thừa Thiên - Huế) cho biết, đã có hơn 30 lượt sà lan đang khai thác cát trái phép bị xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện.
Từ lâu, sông Hương được chọn làm trục chính trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Huế. Thực tế, hầu hết các di tích liên quan đến kinh thành Huế đều gắn liền với sông Hương và cảnh quan đôi bờ. 17 di tích đã được công nhận đều có quan hệ mật thiết với sông Hương trong tổng thể không gian kiến trúc chung. Để bảo vệ sông Hương và các di tích quý ở hai bờ, trước mắt địa phương cần phải mạnh tay, nghiêm cấm tuyệt đối các đối tượng khai thác cát trái phép. Nếu không, sông Hương, tài sản vô giá của quốc gia, sẽ phải trả một cái giá đắt cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
VŨ VĂN THẮNG