Sông Trà mùa… giá đỗ

Thay vì ủ giá đỗ trong các chum, vại hay thùng xốp..., người dân vùng này ủ giá dưới những lớp cát trên bãi bồi sông Trà Khúc. Công việc được làm quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào mùa này - mùa sông Trà cạn nước. Cái nghề thăng trầm hàng trăm năm, có lúc tưởng lụi tàn ấy nhưng vẫn được giữ gìn, lưu truyền và vươn lên mạnh mẽ như những cọng giá trắng tinh bật mầm, ham ánh sáng... người dân Xóm Vạn thuộc làng Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tự hào về nghề của mình và cũng tự hào về chất lượng sạch từ những cọng giá do bàn tay mình làm ra!
Sông Trà mùa… giá đỗ

Thay vì ủ giá đỗ trong các chum, vại hay thùng xốp..., người dân vùng này ủ giá dưới những lớp cát trên bãi bồi sông Trà Khúc. Công việc được làm quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào mùa này - mùa sông Trà cạn nước. Cái nghề thăng trầm hàng trăm năm, có lúc tưởng lụi tàn ấy nhưng vẫn được giữ gìn, lưu truyền và vươn lên mạnh mẽ như những cọng giá trắng tinh bật mầm, ham ánh sáng... người dân Xóm Vạn thuộc làng Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tự hào về nghề của mình và cũng tự hào về chất lượng sạch từ những cọng giá do bàn tay mình làm ra!

        Nghề vọc cát

Bóng chiều đổ trên những trảng cát dài ven sông Trà Khúc. Tôi theo chân các chị, các mẹ ra “công trường giá đỗ”. Tiếng nói cười rộn ràng âm vang cả khúc sông rộng. Vừa hì hụi đào những lỗ tròn thẳng đều tăm tắp mà chẳng cần thước đo, bà Nguyễn Thị Quế (50 tuổi) “bật mí” về nét độc đáo của nghề: “Giá đỗ nơi đây không làm theo kiểu ủ trong chum, vại, thùng xốp như nhiều nơi khác mà được gieo xuống những hố cát để tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên. Đỗ xanh (hoặc xanh đen) được ngâm trong nước sạch chừng 2 giờ cho hạt nở, dễ nảy mầm. Mỗi hố sâu chừng nửa mét, 10 lớp đỗ được gieo chồng lên nhau, cát được phủ lại sau mỗi lớp. Tiếp theo là tưới nước vào mỗi buổi chiều để giữ độ ẩm cho những hạt đỗ nảy mầm. Qua 4 đêm, giá đủ lớn, được thu hoạch và đưa về chợ Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận cung cấp cho người tiêu dùng”.

Đỗ được gieo xuống các hố, khoảng 10 lớp chồng lên nhau.

Đỗ được gieo xuống các hố, khoảng 10 lớp chồng lên nhau.

Bà Quế đã 50 tuổi. Bà bảo đã 30 năm làm “giá”. “30 năm làm “giá” vậy mà cũng có chồng và con rồi he” – câu bông khiến bà Quế bật cười, vội vàng giải thích: “30 năm làm giá đỗ chú nờ”!

Bà bảo, dù đêm đông giá rét, chiều hè oi nồng, những đêm mùa thu trăng sáng vằng vặc hay những đêm xuân mưa rả rích bà vẫn cặm cụi với nghề. Vất vả là vậy, nhưng chẳng giàu được, chỉ đủ chi tiêu gia đình và nuôi các con ăn học. Nhìn về phía các hộ dân khác, tôi thấy chỗ bà Quế chọn bãi cát cao hơn, không gần dòng nước như các hộ trong thôn. Thấy tôi thắc mắc, bà Quế cho hay: “Cát ở trên này sạch, phần nữa tránh nước lũ ập về. Chôn gần bờ sông nước đổ về sẽ nhấn chìm bãi giá, sẽ mất cả vốn lẫn lãi”. Khác với bà Quế, vợ chồng chị Phạm Thị Văn và anh Thái Văn Hùng chọn bãi cát gần bờ sông. Mỗi ngày hai vợ chồng chị chôn 25kg đậu vào trong cát, sau 4 ngày, 4 đêm thu khoảng 170kg giá. Chị Văn hạch toán: Cứ 1kg hạt đậu sẽ cho 7kg giá. Hiện giá bán với mức 7.000 - 8.000 đồng/kg. Trong khi chi phí tiền mua hạt đậu hết 750.000 đồng (1kg đậu giá 25.000 đồng). Như vậy mỗi ngày kiếm được hơn 500.000 đồng, trừ tiền xăng xe chở giá, tiền điện bơm nước, vợ chồng chị Văn bỏ túi được 400.000 đồng/ngày. Gia đình chị Văn có 3 người làm giá. Chồng đi trước dùng cào san phẳng bãi cát, còn chị đào những hố tròn trịa để cho hạt đậu xuống. Đứa con của chị dùng rổ sàng cát loại sỏi, đá để cho mẹ lấp xuống. Chị Văn chia sẻ: “Để có giá bán mọi người phải làm liên tục. Cây giá thích sống ở nơi cát ẩm ướt, cát sạch, do đó phải chọn những bãi cát không có đất, rác thải trộn lẫn. Nếu không, giá không mọc được hoặc nảy mầm rồi thối hết”.

Dù đã lấy chồng đi nơi khác nhưng gần 30 năm qua, chị Hiền (53 tuổi) vẫn trở về quê và gắn bó máu thịt với nghề. Ngày nào hai vợ chồng chị cũng thức dậy từ 3 giờ sáng thu hoạch để có giá bán cho buổi chợ sáng. Chiều về chị lại tất bật chăm sóc những ổ giá khác. Cứ thế suốt ngày chị tất bật với cái nghề bỏ công kiếm lời này. “Dù vất vả nhưng ở xóm Vạn đò có khoảng 100 hộ gắn bó máu thịt với cái “nghề vọc cát” này”, chị Hiền bộc bạch.

Mải xem người dân làm giá cho đến lúc bóng tối đã bao phủ bãi cát Xóm Vạn, nhìn bên kia sông TP Quảng Ngãi đã lên đèn; lúc này mọi người thu dọn đồ nghề kết thúc một ngày làm việc. Trước khi về, các hộ dân làm giá không quên dặn tôi: “Nếu chú muốn xem hết các công đoạn nữa thì 3 giờ sáng quay lại đây”.

        Giá sạch

3 giờ sáng tôi lại lần tìm ra bãi cát Xóm Vạn. Đêm đen đặc, khúc sông rộng dài khiến ánh sáng từ những chiếc đèn pin, đèn măng xông le lói chỉ đủ soi cho một hoặc hai người. Nhìn từ xa, cứ lập lòe như… đèn đom đóm. Gặp lại bà Quế đang hì hụi rửa giá dưới hố nước được trải bạt lót bên dưới. Bên miệng hố, giá đỗ đã chất thành từng đống lớn. “Chào buổi sáng bà nhé”! - câu nói của tôi lại khiến bà Quế bật cười. Bà “chỉnh” tôi ngay: “Nếu đúng thì tui đã chào chú từ lúc 1 giờ sáng cơ”! Vừa quơ tay vun giá, xốc cho cát dính trên những cọng giá rơi xuống nước, bà Quế buông lời: “Đêm nào cũng vậy, cứ 1 giờ sáng là hai mẹ con (cùng con dâu) bắt đầu công việc cho một ngày mới. Đầu tiên bới cát lấy giá, tiếp đến sàng giá, rồi rửa giá, riêng việc đó đã đến tận 4 giờ sáng. Sau đó, hai mẹ con chất lên xe máy đem ra các chợ đầu mối giao hàng rồi bán luôn, hôm nào đắt khách thì 8 giờ xong, ế thì 10 giờ vẫn còn ngoài chợ”. Dừng tay, bà Quế hóm hỉnh: “Chồng bảo tui lấy bà mấy chục năm nay nhưng mỗi năm chỉ được ngủ trọn giấc với bà có 3 đêm. Ấy là những đêm ngày tết”. Còn chị Nguyễn Thị Cẩm (26 tuổi) bảo từ khi làm nghề này, chưa khi nào phải cắt móng tay. Bởi đêm nào cũng thọc tay xuống các lớp cát để dỡ giá và bới giá nên các móng tay đã mòn hết. “Phụ nữ vùng này có muốn đi làm đẹp cũng chẳng được” - chị Cẩm cũng dí dỏm không kém mẹ chồng. Gạt những giọt mồ hôi chảy đầm đìa làm những lọn tóc bết dính vào trán và hai bên thái dương, chị Cẩm bảo những ngày đầu làm chưa quen, mười đầu ngón tay tứa máu. Lâu rồi cứ chai sạn dần, bây giờ thì quen nhưng khi thọc những ngón tay xuống mà đụng phải hạt sạn lớn hay mảnh gỗ mục dưới lớp cát thì khốn khổ.

Giá được rửa sạch cát, trắng tinh.

Giá được rửa sạch cát, trắng tinh.

Chứng kiến làm giá đỗ, quả thực đây là nghề không dễ xơi. Người dân Thọ Lộc ruộng ít, trong khi muốn làm thêm thì không kiếm ra việc. Ngày trước, người Thọ Lộc ít hộ làm giá, và coi nghề này là nghề phụ, kiếm thêm thu nhập nhưng những năm gần đây, khi các món hủ tiếu, mì, phở, bún… được ưu ái thì giá đỗ Vạn đò cũng bán chạy như tôm tươi. Vì thế thu nhập của người làm giá cũng đủng đỉnh hơn.

“Với nhiều gia đình trong xóm, nghề này đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cũng nhờ nó tôi nuôi 4 đứa con khôn lớn nên người. Nếu bỏ nghề này tôi chẳng biết phải làm nghề gì. Dù vất vả nhưng nó đã gắn bó với mình mấy chục năm rồi”- giọng trầm ấm, nói rồi chị Hiền đưa tay giũ nhẹ, nâng niu những sợi giá mũm mĩm, trắng trong, thành quả mà 4 ngày qua chị đã ra sức chăm sóc.

Thời gian gần về sáng như trôi nhanh hơn để đêm đen nhường chỗ cho bình minh ngày mới. Khi tôi ngước lên phía xa xa, bình minh như chực ló rạng, những bao giá đỗ đã được chất lên xe, theo chân các chị, các mẹ đến những chợ đầu mối để kịp cho các bà nội trợ, thực khách.

Chưa có ai cấp giấy chứng nhận cho giá đỗ được làm nên trên dòng sông Trà này là giá sạch. Vậy nhưng, người dân ở đây vẫn tự hào bởi sản phẩm mình làm ra rất sạch, các công đoạn đều làm tự nhiên, giá lớn lên dưới thiên nhiên và không cần bất cứ chất kích thích nào.

Ai về Quảng Ngãi, khi ăn những cọng giá được làm trên dòng sông Trà, cảm nhận cái hương thơm, vị ngọt ngào ấy chính là sự chắt chiu từ những giọt mồ hôi cần cù, chịu thương, chịu khó và tấm lòng trân trọng của những người nông dân đã dãi dầu sương gió để làm nên!

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục