(SGGPO).- Sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Dư luận đang đặt câu hỏi, với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã làm những gì để giải quyết sự cố này và vì sao những tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố chưa bị xử lý trách nhiệm?
Trả lời những câu hỏi này, ông Đỗ Đức Duy, người phát ngôn Bộ Xây dựng vừa cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức giám định sự cố, làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, cũng như đề ra các biện pháp nhằm xử lý, khắc phục sự cố trong trước mắt cũng như lâu dài, để đảm bảo cấp nước an toàn cho nhân dân trong phạm vi cung cấp nước của Nhà máy nước Sông Đà.
Về ý kiến vẫn chưa thấy Bộ Xây dựng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan của Tổng công ty Vinaconex, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về sự cố này theo kết luận của Bộ Xây dựng, ông Đỗ Đức Duy cho biết, Vinaconex là tổng công ty cổ phần, hoạt động theo điều lệ của tổng công ty do đại hội cổ đông thông qua trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp cổ phần. Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex là Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính, tổ chức Đảng của Tổng công ty Vinaconex là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Vì vậy, việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo tại Tổng công ty Vinaconex không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, mà thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của đại hội cổ đông, Tổng công ty SCIC - Bộ Tài chính và Thành ủy Hà Nội theo quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của Tổng công ty.
Về ý kiến cho rằng Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra toàn diện đối với dự án này, ông Đỗ Đức Duy cho rằng, ngoài các yếu tố hạn chế về kỹ thuật, kinh nghiệm, tổ chức quản lý của chủ đầu tư và các nhà thầu đối với một loại công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời.
BÍCH QUYÊN
>> Đường ống nước Sông Đà (Hà Nội) lại vỡ lần thứ 9
>> Đường ống nước Sông Đà vỡ do chất lượng không đồng đều
>> 70.000 hộ dân Hà Nội thiếu nước sinh hoạt vì vỡ đường ống