Sử dụng hiệu quả tài nguyên hữu hạn

Hôm nay 7-12, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản sẽ khai mạc ngày 9-12. Những vấn đề kỹ thuật khúc mắc nhất sẽ được bàn bạc, tháo gỡ để đạt được tiếng nói đồng thuận trước khi trình các vị bộ trưởng đưa ra quyết định chính thức.

Theo thông lệ, các hội nghị này là diễn đàn để các nước thành viên ASEAN thảo luận, hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác ASEAN về khoáng sản; thúc đẩy phát triển công nghiệp khai khoáng trong khu vực ASEAN thông qua việc hỗ trợ các chương trình công nghiệp hóa cho mỗi nước thành viên và tăng cường các hoạt động thương mại về hàng hóa khoáng sản trong ASEAN.

Các định hướng chính được bàn thảo là đảm bảo phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư khoáng sản; thúc đẩy hợp tác, xây dựng chính sách, tiêu chuẩn cho hoạt động khai khoáng đạt hiệu quả tốt nhất; tăng cường năng lực và thể chế trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; xúc tiến diễn đàn đối thoại tư nhân ASEAN về khoáng sản; khuyến khích mở rộng hợp tác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế về khoáng sản.

Dự kiến, tại hội nghị, Việt Nam sẽ đề xuất những sáng kiến cụ thể như thông qua kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản; tăng cường năng lực nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu; hợp tác quốc tế về tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, nghiên cứu và điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản biển; chia sẻ mẫu vật và ấn phẩm địa chất và khoáng sản; nâng cao năng lực nghiên cứu, điều tra khí đốt ẩn sâu; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin khoáng sản…

Với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, ngành khoáng sản Việt Nam được coi là hoàn toàn có cơ hội trở thành một nền kinh tế mũi nhọn. Trên lãnh thổ Việt Nam đã phát hiện 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ, điểm mỏ; trong đó có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn ở quy mô thế giới như bauxit, titan, đất hiếm, đá vôi… Ngành khai thác khoáng sản đã phát triển nhanh với hàng ngàn mỏ, đóng góp 25%/năm vào nguồn thu ngân sách quốc gia.

Từ năm 2000 đến nay, ngành này chiếm 10%-11% tổng GDP của cả nước, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác phát triển. Một điểm mới trong hoạt động của ngành này rất cần nhấn mạnh và việc Luật Khoáng sản 2010 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2011.

Trao đổi với phóng viên trước thềm Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, vấn đề ông quan tâm hơn cả - đồng thời có lẽ cũng là mối quan tâm chung của thế giới và khu vực, chính là “liều lượng” trong các hoạt động khoáng sản. Ai cũng biết nếu chưa dùng thì khoáng sản là “của để dành”. Nhưng nếu muốn phát triển, xây dựng cơ nghiệp cho con cháu mai sau thì cũng không thể “để dành” hết cả.

Trong viễn cảnh khá ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong năm 2012, công nghiệp khoáng sản là một trong những điểm sáng hiếm hoi, với dự báo của các chuyên gia thương mại quốc tế về đà tăng giá chung của nhóm 6 khoáng sản cơ bản. Nhu cầu về dầu mỏ, than, vàng… cũng tiếp tục ở mức cao. Việc khai thác, kinh doanh khoáng sản rõ ràng là hết sức cần thiết, vấn đề chỉ là tổ chức và quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

Sự hợp tác, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này cũng quan trọng không kém, bởi những vỉa quặng rất có thể không “khoanh” theo địa giới hành chính. Với cơ chế hợp tác hiệu quả, các bên sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức, rất nhiều tài nguyên và - xa hơn nữa - quan hệ ngoại giao, kinh tế cũng sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều…  

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục