Bên cạnh việc hạn chế sử dụng túi ni lông, vật dụng phát sinh rác thải nhựa; tìm kiếm vật liệu mới thay thế; phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa… thì nghiên cứu sử dụng các loại rác thải nhựa làm phụ gia bê tông, nhựa làm đường giao thông cũng đang được nhiều nước quan tâm.
Nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO) cung cấp. Rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 - 1800C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường. Giai đoạn tiếp theo của dự án này sẽ được hoàn thành trong tháng 11-2019, với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải nhựa đạt 1,4km. Đoạn đường này sẽ chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo thay vì trở thành rác thải hoặc bị chôn lấp trong các bãi xử lý rác (tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo).
Trước khi trải nhựa đường thực tế, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện hai thí nghiệm với kết quả đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam. Sau khi triển khai thành công dự án này, nhiều đoạn đường sử dụng rác thải nhựa tái chế hơn nữa sẽ được xây dựng trong các Khu công nghiệp DEEP C. Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.
Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C, việc triển khai đoạn đường đầu tiên từ rác thải nhựa này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình trở thành khu công nghiệp sinh thái đi đầu tại Việt Nam của DEEP C. Những con đường mới, bền hơn và an toàn hơn này không chỉ đem lại lợi ích cho DEEP C và các doanh nghiệp tại khu công nghiệp mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường khi mà quản lý rác thải nhựa đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Sự hợp tác liên kết này thể hiện cam kết của các tổ chức trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cũng như giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), cũng nhìn nhận dự án này là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và Chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung và là sự hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa nói riêng. Chính vì thế mô hình này nên được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Có thể thấy rằng, quản lý và xử lý vấn đề rác thải nhựa đang là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tìm các giải pháp xử lý hiệu quả, an toàn với môi trường cũng không phải là bài toán dễ. Giải pháp sử dụng rác thải nhựa làm đường giao thông không chỉ giúp giảm thiểu tài nguyên mà còn góp phần lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện nay. Giải pháp này đã được nhiều quốc gia sử dụng như Ấn Độ, Anh. Các nước như Iran, Sudan, Pakistan, Malaysia… cũng đã có những nghiên cứu tương tự. Đây cũng được xem là một hướng tiếp cận khả thi cho các đô thị của Việt Nam khi mà lượng rác thải nhựa ra môi trường ngày một tăng. Hiện nay mỗi năm Việt Nam thải ra đại dương khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.