Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh

Sự kỳ diệu của sức trẻ

Sự kỳ diệu của sức trẻ

Dự án thí điểm xây dựng  “Làng thanh niên lập nghiệp” (TNLN) dọc đường Hồ Chí Minh đã qua 5 năm triển khai với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đạt trên 53,1 tỷ đồng. Dự án này đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Nam, nhằm rút kinh nghiệm cho việc quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư gắn với phát triển mô hình kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh...

  • Lập nghiệp trên những vùng đất hoang vu
Sự kỳ diệu của sức trẻ ảnh 1

Anh Bùi Văn Luân trên khu vườn mới khai hoang của mình tại làng TNLN Sông Rộ (Nghệ An).
Ảnh: QUANG LỘC

Nằm sâu trong các vùng rừng núi, đất bạc màu khô hạn, rừng bị tàn phá, 4 làng TNLN đó là: Sông Rộ (tại huyện Thanh Chương, Nghệ An), Phúc Trạch (tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), An Mã (tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) và A Sờ (tại huyện Hiên, Quảng Nam) đều nằm tại các địa bàn bị chia cắt bởi địa hình đồi núi. Hầu hết địa bàn xây dựng làng TNLN đều có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Địa hình chính ở đây là đồi trọc, đất đai cằn cỗi đan xen với thung lũng hẹp. Vào mùa khô, nước sinh hoạt không có. Tình trạng khai thác gỗ và vận chuyển lâm sản trái phép thường xuyên diễn ra trên địa bàn khi chưa có làng TNLN. Khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng chạy qua các địa bàn trên, đây là tuyến giao thông duy nhất chạy qua các làng TNLN này.
 
Năm 2001, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai xây dựng thí điểm 4 làng TNLN. Theo đề án, làng TNLN là đơn vị kinh tế – xã hội kiểu mẫu, phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn trong việc thu hút thanh niên tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Các làng TNLN khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên rừng, trồng mới và bảo vệ rừng ven đường Hồ Chí Minh, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào thanh thiếu niên ở địa phương.

Với sức trẻ của thanh niên, cùng với sự kiên trì trong công tác vận động của cán bộ Đoàn các cấp, vượt qua nhiều khó khăn, dự án làng TNLN tại các địa phương làm thí điểm đã được xây dựng phù hợp với quy hoạch, định hướng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhu cầu việc làm và thu nhập của thanh niên – hộ gia đình trẻ, nên đã được nhiều thanh niên hăng hái tình nguyện tham gia.

  • Màu xanh rừng đã bao phủ những ngôi làng mới

Sau 5 năm, 4 làng TNLN dọc đường Hồ Chí Minh đã trồng, khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ 8.352 ha rừng, trồng 520 ha cây ăn quả và 639 ha cây công nghiệp có giá trị. Mỗi làng TNLN là một mô hình kinh tế nông – lâm kết hợp, sản xuất theo hướng nông lâm nghiệp chuyên canh có giá trị kinh tế cao.

Làng TNLN Sông Rộ (Nghệ An) chuyên canh về cây trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây chè. Mỗi hộ ở đây được giao 5-6 ha rừng, 2-3 ha chè; đến nay, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 18 triệu đồng/năm. Hộ gia đình trẻ Hà Tiến Dũng ở làng TNLN Phúc Trạch (Hà Tĩnh) với việc sản xuất giống bưởi Phúc Trạch và cây dó trầm đã trở thành triệu phú của làng với thu nhập 200 triệu đồng/năm. Còn làng TNLN An Mã (Quảng Bình) chuyên canh cây trồng, chăm sóc bảo vệ rừng và cây hồ tiêu, chăn nuôi bò.

Tại đây, 3 thanh niên tiêu biểu tuổi đời mới ngoài 20 nhưng đã chung một ý chí: từ biệt thị xã Đồng Hới để lên với làng TNLN. Các anh đã nhận 9 ha đất, đầu tư 500 triệu đồng đào ao nuôi ba ba. Chỉ sau 1 năm, họ đã thu trên 10 tấn ba ba. Tại làng TNLN A Sờ (Quảng Nam) có tới 90% hộ gia đình là dân tộc ít người, chuyên sản xuất tiêu, quế và chăn nuôi bò. Đến nay bình quân thu nhập mỗi hộ đạt 15 triệu đồng/năm.

Đến nay đã có 545 hộ gia đình trẻ lập nghiệp, với 1.465 nhân khẩu có cuộc sống ổn định tại các làng TNLN. Trong đó, 60% hộ gia đình trẻ đã có ti vi, xe máy và nhà xây. Trong các làng TNLN không có hộ sinh con thứ ba và không có người mắc các tệ nạn xã hội. Công tác xây dựng tổ chức chính trị cơ sở được chú trọng. Các làng TNLN đã trở thành đơn vị hành chính cấp thôn, làng, có các tổ chức cơ sở Đảng với 50 đảng viên. Hầu hết các làng TNLN đã tổ chức tốt  và phát huy được vai trò nòng cốt trong các hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, thể thao, công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương.

TRẦN ĐỨC QUANG

Tin cùng chuyên mục