Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh công diễn vở mới Rau răm ở lại với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thành Hội, NS Ái Như, Hoàng Vân Anh, Đoàn Thành Tài, Lương Duyên, Kim Phước, Thế Hải, Nguyễn Long, Thư Quỳnh, Như Ngọc…
Dựa theo truyện ngắn Ơi Cải về đâu! của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng đã bắt tay dàn dựng trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Đó là câu chuyện buồn đẫm nước mắt, đậm tình người, tình cảm cha con của ông Năm Nhỏ (NSƯT Thành Hội). Ông dãi dầu sương gió mười mấy năm, tha hương khắp chốn, chỉ để cố tìm cho được con Cải - đứa con riêng của vợ - bà Thêm (NS Ái Như).
Một cảnh trong vở Rau răm ở lại của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh
Bắt nguồn từ cái thuở con Cải mới lên 8 tuổi, đi chăn trâu rồi đột ngột mất tích. Bao nhiêu tiếng oan đổ lên ông Năm. Nén nỗi đau không thể giải thích, không thể minh oan, ông bỏ nhà đi khắp chốn, lăn lộn trong đoàn hát, bán hàng rong ở bến phà, chỉ với mong mỏi tìm được con Cải trở về. Cuộc tha hương ấy thấm thoát cũng mười mấy năm. Đến một ngày, ông Năm Nhỏ gặp được anh chàng bán kem Quách Phú Thàn mê ca hát bỏ nhà ra đi, vì cái duyên ấy mà ông cùng chàng trai trẻ về ở chung trong cái chòi rách vá chằng chịt trong khu gò mả heo hút người. Cả hai đã cùng dựa vào nhau mà sống, để cùng tiếp tục thực hiện công việc, niềm đam mê, mục đích riêng của mỗi người. Quay quanh cuộc sống của hai nhân vật già trẻ này còn có những số phận con người chân chất chốn thôn quê, phải chịu nhiều oan trái, cay đắng, vật vã: cô lái đò Huệ (Lương Duyên) và cuộc tình trái ngang với chàng trai thành thị, cuộc đời nhiều buồn đau của cô gái mồ côi cha mẹ Diễm Thương (Hoàng Vân Anh), sự dằn vặt tâm hồn, cuộc sống của người mẹ trẻ vùng quê nghèo, vì mê tín dị đoan, nghe theo lời thầy cúng đã làm chết đứa con bé nhỏ của mình… Hay như bà Thêm - người phụ nữ từng lừa gạt ông Năm, đem dấu con Cải, bán nhà, bán trâu để quay trở lại với chồng cũ, rốt cuộc, bà thường xuyên bị chồng cũ đánh đập vì chuyện tiền bạc.
Dòng xoáy cuộc đời cứ thế chảy không ngừng, khiến bao con người mãi luôn gồng mình sống với số phận. Thế nhưng, ở một góc nhìn nhân văn, đối với những con người có trái tim nhân hậu, cuộc sống vẫn luôn trao tặng cho cái kết đậm tình, tràn ngập sự yêu thương: Thàn và Thương lấy nhau, ông Năm được cả hai rước về ở chung để phụng dưỡng, cô Huệ tìm lại được tình cảm đã mất sau hơn 20 năm bỏ rơi nơi bến đò… Đặc biệt, ở cảnh cuối kết thúc vở kịch, nhiều người xem đã lặng người, vừa thương cảm, vừa xúc động, vì chính ở chỗ gò mả tăm tối này, trong cái chòi che nắng mưa rách nát có một thứ ánh sáng tình người nhân hậu, sắc son, lung linh và ấm áp, đã bao phủ cả một khoảng không gian rộng lớn, lan tỏa đến cả cỏ cây.
Vở kịch đem lại quá nhiều cảm xúc sâu lắng cho người xem, với những điểm nhấn đặc sắc, trong đó nhờ phần lớn vào tài năng diễn xuất tài tình của NSƯT Thành Hội - trong vai ông già miền Nam chân tình, chung thủy, luôn yêu thương con trẻ bằng tất cả trái tim nồng ấm tình cha. NS Ái Như lột tả khéo léo người phụ nữ hai mặt, lúc mang vẻ dịu dàng, nền nã, thương chồng yêu con, lúc quá quắt với bản chất là người đàn bà toan tính, luôn vì cái lợi của bản thân. Với Lương Duyên, vai diễn cô lái đò Huệ sau hơn hai mươi năm trở thành bà chủ quán cà phê Chiều Tím cũng đem lại nhiều rung cảm cho người xem qua cách xử lý những cung bậc cảm xúc khi gặp lại cố nhân, cách cảm thông và sẻ chia với hoàn cảnh của những người xung quanh cô.
Rau răm ở lại là vở kịch thứ ba sân khấu Hoàng Thái Thanh dàn dựng từ kịch bản được cảm tác từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trước đó là vở Nửa đời ngơ ngác - dựng từ truyện Chiều vắng, vở Bao giờ sông cạn - dựng từ truyện Dòng nhớ. Cả ba vở kịch cảm tác từ tác phẩm văn học đều tạo được dấu ấn đặc biệt cho người xem: đậm tính nghệ thuật, định hướng thẩm mỹ, có giá trị văn học, tính nhân văn sâu sắc.
Không chỉ có sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chọn các tác phẩm văn học để dựng kịch, thời gian qua, sân khấu kịch Hồng Vân, Nhà hát kịch TPHCM, sân khấu kịch Nụ Cười Mới và Sân khấu nhỏ 5B (khi chưa tạm ngưng hoạt động), cũng thường chọn các tác phẩm văn học để dựng thành những tác phẩm sân khấu đa sắc, đa dạng, lôi cuốn khán giả. Vì trên hết, các tác phẩm sân khấu được chuyển thể từ những tác phẩm văn học dễ chạm đến trái tim người xem vì bố cục câu chuyện chặt chẽ, lời thoại đậm chất văn thơ, tư tưởng giàu tính nhân văn…
Giữa thời điểm sân khấu thành phố hiếm hoi tác giả viết kịch bản hay, thì việc chuyển thể và dàn dựng các tác phẩm văn học ở các sân khấu kịch cả ở sân khấu kịch nhà nước và sân khấu kịch xã hội hóa là sự chọn lựa an toàn về chất lượng nội dung và nghệ thuật, hiệu ứng lôi cuốn khán giả. Suy cho cùng, sau một thời thể loại kịch ma, đồng tính… làm mưa làm gió, chiếm lĩnh hầu hết mặt bằng biểu diễn của thị trường sân khấu kịch nói thì dòng kịch văn học đang ngày càng được ưa chuộng, được khán giả chú ý, lựa chọn để thưởng thức, giải trí. Hy vọng, khi xu hướng này lan tỏa mạnh mẽ hơn, chất lượng hoạt động tổ chức và biểu diễn của các sân khấu sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần làm tốt trách nhiệm phục vụ giải trí và định hướng thẩm mỹ cho công chúng.
THÚY BÌNH