Sứ mệnh khó khăn của Ngoại trưởng Mỹ

Trong chuyến công du đến Đông Bắc Á, bắt đầu diễn ra từ 21-5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đặt trọng tâm là Nhật Bản. Bởi lẽ, quan hệ đồng minh thân cận kéo dài suốt nhiều năm qua đang gặp thử thách vì sức nóng của vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa, nơi có 27.000 binh sĩ Mỹ đóng quân.

Sứ mệnh của bà Clinton trở nên khó khăn hơn khi quyết định mới nhất của Thủ tướng Hatoyama là xây dựng một đường băng trên cọc tại vùng nước nông ở khu vực bờ biển ngoài khơi Nago cũng thuộc tỉnh Okinawa để chuyển căn cứ Futenma tới, thay vì sử dụng một khu đất lấn biển gần đó theo thỏa thuận mà hai nước đã ký kết năm 2006.

Trong khi đó, người Nhật từ lâu đã tỏ ra không ủng hộ việc có mặt một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ trên đảo Okinawa. Ngoài việc gây ô nhiễm tiếng ồn và môi trường, đe dọa an toàn của thành phố và tranh cãi về đạo đức của lính Mỹ, căn cứ Futenma được người Nhật coi là “vết nhơ” trong lịch sử hiện đại. Vì đây là một trong những “vết tích” còn lại thể hiện sự mất chủ quyền của Nhật đối với hòn đảo Okinawa kể từ khi Mỹ chiếm đảo này vào năm 1945.

Những phản đối gay gắt từ trong nước và áp lực từ Washington cũng làm nội bộ đảng DPJ của Thủ tướng Hatoyama mâu thuẫn. Ông Hatoyama bị chỉ trích nặng nề vì không thực hiện đúng lời hứa cam kết đưa căn cứ Futenma khỏi Okinawa, tỷ lệ ủng hộ ông đang từ 70% vào năm ngoái xuống mức nguy hiểm 20% vào tháng 4 năm nay. Nguy cơ, đảng DPJ thất bại trong trong cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7 tới là rất cao, cũng như việc chính phủ sụp đổ là điều đang được dự đoán trước.

Nếu Thủ tướng Nhật đang đứng ở ngã ba đường thì Ngoại trưởng Mỹ cũng chịu nhiều sức ép từ chính phủ yêu cầu giải quyết rốt ráo vụ di chuyển căn cứ không quân Futenma, để không tiếp tục làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tờ Wall Street Journal nhận định, lý do Mỹ luôn gây sức ép lên Nhật về tương lai của căn cứ này là do căn cứ có tính chất quyết định đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á. Căn cứ Futenma hiện nằm gần Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.

Việc CHDCND Triều Tiên chưa từ bỏ chương trình hạt nhân, chưa chịu ngồi vào đàm phán 6 bên để giải quyết vấn đề này thì Tokyo vẫn phải núp dưới “sự bảo trợ an ninh” của Washington.

Bên cạnh đó, trong trường hợp hai miền Triều Tiên xảy ra chiến tranh, với Futenma, Washington có thể nhanh chóng điều động quân đội ở Nhật, chia sẻ gánh nặng quân sự với đồng minh Seoul. Thực chất, vấn đề hạt nhân Triều Tiên chỉ là cái cớ để Mỹ duy trì sự hiện diện thường xuyên tại Đông Bắc Á. Mục đích sâu xa của Mỹ và Nhật Bản là nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nếu cả hai bên không đạt thỏa thuận thì điều đó cũng có nghĩa, Tokyo, “cánh cửa” sống còn đối với an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, sẽ không còn rộng mở cho Washington

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục