
Trong khi các cơ quan chức năng đang ráo riết “phanh phui” giá cả quá đắt đỏ của các nhãn hàng sữa nhập khẩu, thì nhiều công ty sữa trong nước đã âm thầm cải thiện chất lượng và có giá phù hợp cho người tiêu dùng. Hưởng ứng kết luận của Bộ Chính trị về “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, nhiều người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa nội đã ý thức vào cuộc.

Chọn mua sữa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: CAO THĂNG
Cải thiện chất lượng
Có mặt tại “chợ sữa” Nguyễn Thông P9 Q3 chiều 28-9, chúng tôi nhận thấy nhiều cửa hàng đã trưng bày sữa nội nhiều hơn sữa ngoại nhập khẩu. Chủ cửa hàng Nguyễn Mười cho biết, từ khi báo chí tuyên truyền “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, nhiều người tiêu dùng đã quan tâm tới mặt hàng sữa nội. Trong đó, các nhãn hàng sữa bột của Vinamilk và các doanh nghiệp khác được nhiều bà mẹ chú ý bởi giá cả phải chăng, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng.
“Thay vì lâu nay người ta cứ chuộng các loại sữa ngoại như Abbott, Ensure, Dutch Lady… thì nay khách hàng thích sữa sản xuất trong nước hơn với giá cả chỉ độ 150.000 đồng/hộp trở lại. Trước đây mỗi ngày bán chừng 1 thùng (22 hộp) sữa nội thì nay đã bán được gấp đôi, có khi gấp ba”, nhân viên cửa hàng sữa bột Vũ Hào cho biết.
Dạo qua thị trường các chợ An Đông (Q5), Bình Tây (Q6) và ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opMart cho thấy doanh số sữa nội bán ra đã tăng hơn nhiều so với trước đây. Một nhân viên phụ trách kinh doanh mặt hàng sữa tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu khẳng định, mặt hàng sữa nội đã bán chạy hơn trong 2 tháng vừa qua.
Sau vụ nhiều mặt hàng sữa bị phát hiện kém chất lượng do thiếu độ đạm hồi đầu năm 2009, Bộ Y tế cũng như sở y tế các địa phương đã chấn chỉnh chất lượng sản phẩm sữa, trong đó chú trọng đến sữa nội. Thực tế chất lượng sữa nội đã cải thiện rất nhiều.
Theo BS Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, qua kiểm tra đột xuất gần 30 cơ sở sản xuất, 5 siêu thị có kinh doanh sữa bột trên địa bàn TP mới đây và tiến hành lấy trên 60 mẫu kiểm nghiệm hàm lượng đạm và các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh cho thấy gần 90% sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết báo cáo của 14 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy trong tổng số 2.050 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa được thanh tra (35 cơ sở sản xuất, 2.015 cơ sở kinh doanh) thì tỷ lệ mẫu sữa kiểm nghiệm có hàm lượng đạm, độ béo, vi sinh đạt tiêu chuẩn chiếm trên 80%.
Như vậy, theo TS Khẩn, so với năm 2008, tỷ lệ mẫu sữa lưu thông trên thị trường không đạt tiêu chuẩn công bố về hàm lượng đạm đã giảm 30%.
Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng
Trong khi Bộ Công thương gặp không ít vướng mắc quản lý giá sữa, và Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đề xuất quản lý sữa bằng giá trần đang thu hút sự quan tâm của dư luận, thì một số công ty sữa trong nước cho rằng, đang điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu người dân cả về chất lượng lẫn giá cả.
Ông Tony Từ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TM-SX Tân Úc Việt (TUV) cho rằng, ngoài lượng sữa nguyên liệu trong nước, hầu hết các công ty sữa nội địa hiện vẫn nhập khẩu sữa nguyên liệu từ nước ngoài như Australia, Hà Lan, New Zealand, với sự kiểm soát nghiêm ngặt. Do vậy chất lượng một số nhãn hàng sữa sản xuất trong nước hiện nay không thua kém sữa nhập khẩu.
Còn trong buổi giao lưu trực tuyến về chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mới đây, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk cũng cho rằng, Vinamilk đã luôn cố gắng để chất lượng, giá cả sữa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Do tâm lý của các bà mẹ nên người ta chấp nhận bỏ 300.000-400.000 đồng mua sữa ngoại cho con, trong khi sữa nội thì hàm lượng dinh dưỡng tương đương mà giá chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên, hiện nay một số người Việt Nam đang nhìn nhận lại việc sử dụng các sản phẩm sữa nội. Đó là tín hiệu mừng”, bà Hương nói.
Hiện một số doanh nghiệp sữa nội khác cũng đang hoàn thiện dần quy trình sản xuất, giảm giá thành 10%-15% để phù hợp hơn với nhu cầu người dân.
Bên cạnh các doanh nghiệp sữa trong nước nỗ lực để lôi kéo người tiêu dùng “ưu tiên dùng hàng Việt” thì chính các cơ quan chức năng cũng tăng cường hơn việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc.
TS Nguyễn Công Khẩn cho rằng, với việc triển khai tích cực các biện pháp quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm với sự vào cuộc của các ngành chức năng có liên quan như y tế, công thương, công an... các địa phương đã kịp thời xử lý, hạn chế tình trạng sữa kém chất lượng lưu thông trên thị trường. “Và công tác này sẽ được triển khai thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, TS Khẩn nói.
Lâm Tuệ