Chỉ trong 5 năm (2010 - 2015), huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long - nơi một thời nghèo nhất tỉnh Bạc Liêu; vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến của tỉnh và Quân khu 9.
Huy động sức dân
Về Vĩnh Thanh, xã lớn nhất trong 7 xã của huyện Phước Long trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thật thú vị. Xe du lịch 4 chỗ thả sức rong ruổi trên những con đường bê tông nhựa, thông thương từ ấp này sang ấp khác. Ven những con đường là nhà xây san sát với hàng rào chắc chắn theo kiểu nông thôn Nam bộ. Trước cửa mỗi ngôi nhà đều treo một tấm bảng màu đỏ, chữ vàng, ghi rõ các tiêu chí xây dựng gia đình nông thôn mới. Ở mỗi tuyến đường đầu các ấp đều có cổng chào và cổng an ninh; trung tâm ấp có nhà văn hóa, sân bóng đá mi ni, sân bóng chuyền rất đẹp. Đó đây, rất nhiều trạm bơm điện cung cấp nước cho những cánh đồng lúa hè thu bạt ngàn, nhiều đám ruộng lúa đã trổ vàng.
Giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Phước Long hôm nay. Ảnh: SONG HỶ
Vĩnh Thanh trước đây là vùng đất trũng, kênh rạch chằng chịt, quanh năm bị nhiễm mặn, phèn; sản xuất bấp bênh, chủ yếu trồng lúa mùa một vụ năng suất thấp, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Đã có nhiều phong trào, huy động sức dân, cải tạo ruộng đồng, chống úng, xổ mặn, phèn, đặc biệt là chương trình ngọt hóa. Vì thế, đã cải tạo toàn bộ diện tích canh tác trên 3.700ha, từ một vụ sang 3 vụ lúa/năm, năng suất cao; xen với trồng rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và tôm, cá… Xã Vĩnh Thanh có 14 ấp, 3.551 hộ, gần 16.700 người, đông dân nhất huyện Phước Long. Năm 2010, người dân vùng đất ngọt hóa này tuy không giàu bằng những xã, huyện lân cận có phong trào nuôi tôm sú, tôm thẻ nhưng khi thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, có tới 98% số hộ hưởng ứng, tích cực tham gia. Hàng trăm gia đình ven các tuyến lộ liên ấp hiến đất làm đường. Hàng chục gia đình khác tặng đất xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sân chơi thể thao, trạm bơm điện… Số lượng đất hiến lên tới 400.000m2. Đồng chí Dương Văn Cẩm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho biết: “Từ thời bao cấp tới nay, xã chúng tôi luôn gương mẫu trong việc huy động sức dân. Có phong trào gì, khi Đảng ủy, chính quyền bàn với dân; thấy có lợi là mọi người hưởng ứng. Ví như khi làm đường bê tông, nhà nào hiến đất cũng đều bàn giao đất sạch trước khi khởi công xây dựng công trình. Mỗi gia đình đều cử người đóng góp ngày công cho đến khi thi công hoàn thành”. Vĩnh Thanh hiện có 38km đường nhựa, đường bê tông trục xã, liên xã, liên ấp, trục ấp, mặt đường rộng 3m, tải trọng 3 tấn, kết cấu bê tông cốt thép dày 15cm; 38km đường ngõ xóm, mặt đường rộng 2m, bê tông dày 10cm; 121 cầu bê tông, thông thương trên mọi ngả đường; 13 trạm bơm điện đủ tưới tiêu tất cả các cánh đồng; 4/6 trường học đạt chuẩn quốc gia; 14 nhà văn hóa xã, ấp, 5 sân thể thao, 1 khu văn hóa công viên, chợ xã. Bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt 29,5 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 1,06%...
Phấn đấu về đích
Vĩnh Thanh là xã đầu tiên của huyện Phước Long thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng nhờ cách làm sáng tạo; đặc biệt là huy động tối đa nguồn lực nhân dân, Phước Long đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trong thời gian 5 năm. Cái hay của Phước Long là cách làm không dàn trải. Những tiêu chí nào dễ thì làm trước. Bất cứ công trình nào cũng phải thi công dứt điểm mới làm tới công trình khác.
Ở Phước Long, phong trào xây dựng nông thôn mới không chỉ bó hẹp trong nhân dân các xã, thị trấn thực hiện mà mọi tầng lớp đều tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Các tổ chức đoàn thể, cán bộ công chức, học sinh THPT trong huyện, ngoài việc đóng góp tiền bạc, còn xung phong lao động trên các công trình xây dựng nông thôn mới ở các xã, thị trấn. Thị trấn Phước Long được đầu tư nhiều công trình lớn như: Chợ, nhà văn hóa, trường học, cầu Phước Long 2, đường phố, bệnh viện, trung tâm y tế, thể thao, nhà văn hóa thiếu nhi… để trong tương lai gần, nâng cấp lên thị xã. Một số xã lớn như Vĩnh Thanh sẽ được nâng cấp lên thị trấn. Từ 19 tiêu chí theo quy định, Phước Long đã vận dụng sáng tạo thực hiện quyết liệt 13 tiêu chí xây dựng gia đình nông thôn mới mà mỗi gia đình đều treo bảng trước nhà, phấn đấu thực hiện.
Phước Long hiện có 13.000 hộ/28.000 hộ đạt chuẩn 13 tiêu chí xây dựng gia đình nông thôn mới, đáng chú ý là những tiêu chí: Xây dựng chỉnh trang làm đẹp nhà cửa, hàng rào bê tông; công trình vệ sinh, nhà tắm sạch sẽ; xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, mạnh khỏe, hạnh phúc; có ý thức bảo vệ môi trường, kế hoạch hóa gia đình; sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, an toàn điện; giữ gìn truyền thống đoàn kết tình làng nghĩa xóm, đùm bọc tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống; an ninh trật tự, không tệ nạn xã hội; chăm sóc gia đình chính sách, người nghèo, ốm đau, bệnh tật, neo đơn…
Đến nay, Phước Long đã có 6/7 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Riêng xã Vĩnh Phú Tây đạt 18/19 tiêu chí; còn tiêu chí về trường học cũng đã đạt trên 90%. Huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện cho tiêu chí cuối cùng này sớm hoàn thành để làm lễ công nhận huyện nông thôn mới vào cuối năm 2015
LÊ BÌNH