Sức ép từ Iran

Hội đồng giám hộ Iran (GC - tương đương Tòa án Hiến pháp) ngày 2-12 ra lệnh cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran tiếp tục làm giàu uranium lên mức 20%, đưa chương trình của Iran trở lại mức tối đa trước Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), do 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Đức và Iran ký kết.
Sau vụ việc ám sát nhà khoa học người Iran, Hội đồng Giám hộ Iran yêu cầu chấm dứt hoạt động thanh sát hạt nhân của LHQ
Sau vụ việc ám sát nhà khoa học người Iran, Hội đồng Giám hộ Iran yêu cầu chấm dứt hoạt động thanh sát hạt nhân của LHQ

JCPOA cho phép Iran làm giàu uranium ở mức 3,67% nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này. Do đó, Iran đã phá vỡ giới hạn 3,67% vào tháng 7-2019, mức làm giàu hiện nay là 4,5%. 

Đây được xem là phản ứng của GC trước vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của họ, ông Mohsen Fakhrizadeh. Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối bình luận về vụ giết người này. 

Như giọt nước làm tràn ly, luật của GC cũng yêu cầu trục xuất các thanh sát viên hạt nhân quốc tế nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được dỡ bỏ đầu tháng 2-2021. Ngoài GC, Quốc hội Iran với đa số thành viên có quan điểm cứng rắn cũng yêu cầu có bước đi tương tự.

Cơ quan lập pháp Iran đề xuất dự luật “Hành động chiến lược” yêu cầu tạo ra ít nhất 120kg uranium được làm giàu 20% mỗi năm, đồng thời xây dựng một lò phản ứng nước nặng mới. Nếu luật được Quốc hội thông qua, chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani buộc phải từ bỏ JCPOA. Uranium được làm giàu đến mức 20% sẽ cho phép Iran chuyển đổi toàn bộ kho dự trữ của mình sang cấp độ bom trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, phía chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani tỏ ra ôn hòa hơn. Tổng thống Rouhani cho biết ông vẫn muốn theo đuổi các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục JCPOA. 

Lúc này, Tổng thống Rouhani bị sức ép từ lực lượng cứng rắn của Iran và cả chính quyền của Tổng thống Donald Trump. 3 tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét một cuộc tấn công quân sự vào Iran với sự ủng hộ của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng Mark A. Milley, cùng các quan chức cấp cao khác. Theo giới quan sát, Tổng thống Rouhani phải thực hiện bước đi cứng rắn từ GC và Quốc hội, hoặc phải kiên trì con đường ngoại giao để cứu JCPOA. Trong khi sức ép trong chiến lược “gây áp lực tối đa” của Tổng thống Donald Trump đối với Iran vẫn ở mức cao và được duy trì ít nhất cho đến ngày 20-1-2021, thời điểm nhiệm kỳ của ông Trump có thể kết thúc.

Việc sát hại ông Fakhrizadeh rõ ràng là có ý phá hoại triển vọng ngoại giao Iran - Mỹ trước lễ nhậm chức của ông Biden, bằng cách kích động Iran hủy bỏ JCPOA, dẫn đến kích hoạt chiến tranh và kéo Mỹ vào cuộc. Nhưng nếu Tehran khôn khéo kiên trì ngoại giao đến khi Nhà Trắng đổi chủ thì hai bên vẫn có thể thực hiện các bước hướng tới việc cứu vãn JCPOA. Vì vậy, theo tờ New York Times, động thái mới từ Iran có thể là thách thức trực tiếp đầu tiên của Iran đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Thời điểm các lực lượng cứng rắn của Iran tung ra đòn phản công này là có chủ đích, nhằm thúc ép ông Biden tái ký JCPOA với Iran ngay sau khi nhậm chức. Ông Biden cho biết ông sẽ sẵn sàng làm như vậy nếu Iran một lần nữa tôn trọng JCPOA. Anh, Pháp và Đức, các bên cùng tham gia JCPOA, đã kêu gọi Iran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận này.

Tin cùng chuyên mục