Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka dành cho sinh viên do Thành đoàn TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức. Trải qua 15 năm, giải thưởng đã trở thành một hoạt động học thuật nổi bật, thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM.
Nhiều bạn trẻ đã rất ngạc nhiên với hình ảnh một cây cùng cho quả cà chua trên ngọn và củ khoai tây dưới rễ của cựu sinh viên Đại học Nông Lâm TPHCM Nguyễn Thị Trang Nhã; hào hứng với mô hình máy bay 4 cánh quạt của bạn Phạm Hữu Nhân (Đại học Bách khoa TPHCM), hay khâm phục sức sáng tạo của cô sinh viên Đại học Kiến trúc TPHCM Đặng Thị Thu Hiền với chiếc xe đạp cho người khuyết tật tay… Được biết, lần đầu tiên thành lập, giải thưởng chỉ có 61 đề tài nhưng đến nay đã có hơn 5.865 đề tài tham gia. Trong năm 2013, tổng cộng có 1.676 đề tài của 34 trường tham gia và giới thiệu 516 đề tài với hơn 1.106 tác giả, nhóm tác giả tham dự giải thưởng Euréka cấp thành. Các đề tài sinh viên nghiên cứu đều có nội dung đề cập và giải quyết những vấn đề cấp bách và cần thiết của xã hội hiện nay như: an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, hỗ trợ người tàn tật, các phương pháp cải tạo giáo dục...
Từ sân chơi này, không ít công trình nghiên cứu đã tìm được bến đỗ tại các doanh nghiệp. Mới đây nhất, 4 đề tài, mô hình sáng tạo tiêu biểu của tuổi trẻ TP đã được chuyển giao cho các đơn vị triển khai ứng dụng như: Xây dựng Atlas điện tử giới thiệu TPHCM phục vụ việc học tập và tra cứu của học sinh, sinh viên (đơn vị tiếp nhận là Công ty cổ phần Học liệu TPHCM); nghiên cứu chế tạo mô hình hệ thống lái điện trên ô tô (chuyển giao cho bộ môn cơ khí - Trường Đại học Giao thông Vận tải cơ sở 2); hệ thống thu phí vé xe buýt tự động sử dụng công nghệ RFID, phần mềm “Busmap xe buýt thành phố” (đều chuyển giao cho Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở GTVT TPHCM).
Thạc sĩ Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển KH-CN trẻ đánh giá, nhiều trường nhìn nhận chính giải thưởng Euréka đã tạo động lực để các trường sẵn có truyền thống nghiên cứu khoa học phát triển hơn hoạt động này. Với những trường nghiên cứu khoa học của sinh viên chưa mạnh, thậm chí chưa có thì đã bắt đầu hình thành, khích lệ sinh viên tìm tòi nghiên cứu. Trong nghiên cứu, không phải kết quả nào cũng có thể chuyển giao và ứng dụng ngay, cho ra sản phẩm tức thì. Với những hạn chế nhất định trong quá trình nghiên cứu của sinh viên, ngay cả với những đề tài nhìn thấy khả năng ứng dụng thì việc có thể ứng dụng thực tế hay không cũng còn có khoảng cách nhất định. “Với những đề tài có tính ứng dụng cao, nếu có được nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng hỗ trợ để các bạn nghiên cứu sâu hơn thì quá tốt. Khi đó, nhà khoa học trẻ chỉ tập trung nghiên cứu mà không quá lăn tăn đến chuyện kinh phí. Nếu có được điều ấy, giải thưởng sẽ tăng thêm sức hút và điều này cũng có lợi cho khoa học nước nhà”, thạc sĩ Thành khẳng định.
TƯỜNG HÂN