Sức mua tại chợ truyền thống giảm mạnh

Khó cạnh tranh với siêu thị
Sức mua tại chợ truyền thống giảm mạnh

Sức mua giảm sút tại các chợ trong những năm gần đây không còn là vấn đề mới. Nhưng điều đáng lưu ý là sức mua đang tụt dốc không phanh, trong khi chúng ta vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức mua, nuôi dưỡng nguồn thu.

Người mua tại chợ Bến Thành không còn nhộn nhịp như trước. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Người mua tại chợ Bến Thành không còn nhộn nhịp như trước. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Khó cạnh tranh với siêu thị

An Đông là một trong những chợ lớn nhất tại TPHCM. 10 năm trước, nơi đây “kẻ mua, người bán” tấp nập, còn nay các bãi đậu xe đều vắng tanh. Toàn bộ khu vực nhà lồng cũng lâm vào tình trạng người bán nhiều người mua ít. Chợ Bến Thành và Bình Tây sức mua cũng không khá hơn. Do vậy, để có đủ tiền duy trì việc ngồi chợ nhiều tiểu thương buộc phải chơi hụi, đi vay nóng với mức lãi lên tới 4%-5%/tháng. Đến thời điểm cần thanh toán lại không có khả năng chi trả dẫn đến số lượng các vụ vỡ nợ, vỡ hụi tại các chợ ngày càng nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ sức mua giảm, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, khách hàng phải “thắt lưng buộc bụng” thì sự ra đời ngày càng nhiều hình thức kinh doanh văn minh hiện đại như siêu thị làm cho mô hình kinh doanh truyền thống đang dần bị thay thế. Theo tính toán của Bộ Công thương, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, doanh thu  từ các kênh phân phối hiện đại trong năm 2009 đã chiếm tới 37%, thay vì 20% so với 3 năm trước.

Khó khăn là vậy, song với cách tính thuế tại các chợ luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước, làm cho tiểu thương đã khó ngày càng thêm khó. Tại chợ An Đông, đầu những năm 2000, mức thuế nộp ngân sách nhà nước khoảng hơn 20 tỷ đồng/năm thì năm 2010, chỉ tiêu từ trên giao gần 56 tỷ đồng! Đây chính là lý do khiến nhiều tiểu thương phải ra ngoài, thuê mặt bằng thành lập chi nhánh hoặc văn phòng để… né thuế. Điển hình nhất là tại Thương xá Đồng Khánh. Trước đây nơi này có tới hàng ngàn hộ tiểu thương nhưng đến nay chỉ còn khoảng 400 hộ!

Hiện có tới hơn 70% số chợ trên địa bàn TP cần được nâng cấp, sửa chữa hoặc được xây dựng mới. Về vấn đề này, một lãnh đạo quận (yêu cầu không nêu tên) thừa nhận, hàng năm nhà nước vẫn thu đúng, thu đủ thuế của tiểu thương nhưng việc trích ngân sách để tu bổ, sửa chữa chợ là vô cùng khó khăn. Chính quy định này đã kéo lùi khả năng cạnh tranh của các chợ so với các kênh phân phối khác.

Cần thay đổi tư duy kinh doanh

Nhiều ý kiến cho rằng, để thay đổi bộ mặt kinh doanh của các chợ, không ai khác tiểu thương phải tự cứu mình trước. Tự mỗi tiểu thương cần đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng thân thiện – văn minh – hiện đại. Loại bỏ ngay tình trạng thách giá và chửi mắng khách hàng. Đầu tư và xây dựng các quầy kệ khang trang, sạch đẹp dần dần biến sạp chợ thành những cửa hàng kinh doanh nhỏ. Đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống cũng cần tiến đến việc sơ chế và bảo quản ở nhiệt độ thích hợp nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, hiện mới chỉ có rất ít hệ thống siêu thị cung cấp đủ hàng thực phẩm tươi sống, còn lại các chợ vẫn là nơi đáp ứng chính cho nhu cầu phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân.

Một số chợ bước đầu cũng đã áp dụng cách khuyến mãi bằng nhiều cách thức khác nhau như mua hàng được bốc thăm trúng thưởng, tặng quà để kéo khách hàng đến với chợ. Tuy vậy, việc khuyến mãi chưa được thực hiện đều khắp cũng như chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số tiểu thương.

Đã đến lúc TP sớm sắp xếp và quy hoạch mới đối với các chợ. Trong đó, việc đầu tư và nâng cấp hệ thống chợ truyền thống phải được ưu tiên hàng đầu để bảo vệ sức mua cũng như quyền lợi chính đáng cho tiểu thương. Làm được việc này chúng ta sẽ tiếp tục duy trì công ăn việc làm cho hàng chục ngàn tiểu thương và vài trăm ngàn lao động khác, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục