Sức sống giải Nobel

Ngày 27-11-1895, Alfred Nobel ký di chúc cuối cùng, trao phần tài sản lớn nhất của mình cho một loạt giải thưởng về Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Y học, Văn học và Hòa bình - được gọi là giải thưởng Nobel.

Ngược dòng lịch sử

Quy chế của Quỹ Nobel viết: “Nếu tác phẩm được khen thưởng do 2 hoặc 3 người sáng tạo ra thì giải thưởng được trao chung cho những người đó. Trong mọi trường hợp, số tiền thưởng không được chia cho hơn 3 người” và “Nếu không có tác phẩm nào đang được xem xét thì tiền thưởng sẽ được giữ cho đến năm sau. Nếu khi đó giải thưởng không thể được trao thì số tiền sẽ được bổ sung vào quỹ”.

Từ năm 1901-2022, Giải thưởng Nobel đã được trao cho 989 cá nhân và tổ chức, trong đó một số người nhận giải Nobel nhiều lần. Từ khi bắt đầu vào năm 1901, có 49 lần giải Nobel không được trao, hầu hết trong giai đoạn Thế chiến thứ 1 và thứ 2.

Người đoạt giải Nobel trẻ nhất đến nay là Malala Yousafzai, sinh năm 1997, người Pakistan, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 khi mới 17 tuổi. Kế tiếp là nhà vật lý William Lawrence Bragg, người Australia, sinh năm 1890, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1915 khi ông 25 tuổi.

Cùng tuổi với ông Bragg là Nadia Murad, người Iraq sinh năm 1993, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018. Người đoạt giải Nobel lớn tuổi nhất đến nay là cụ John B. Goodenough, người Mỹ, sinh năm 1922, đoạt giải Nobel Hóa học năm 2019 khi 97 tuổi và người đồng hương cùng tuổi Arthur Ashkin đoạt giải Nobel Vật lý 2018 khi 96 tuổi.

Lễ trao giải Nobel năm 2022
Lễ trao giải Nobel năm 2022

Có 2 người đoạt giải Nobel nhưng từ chối nhận giải là nhà triết học người Pháp Jean-Paul Sartre, được trao giải Nobel Văn chương năm 1964, nhưng từ chối vì ông luôn chối bỏ mọi danh hiệu chính thức. Người thứ hai là ông Lê Đức Thọ, được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 cùng với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger về vai trò then chốt trong Hiệp định Paris 1973 nhằm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Báo New York Times trích lời ông Lê Đức Thọ: “Hòa bình chưa thực sự thiết lập ở miền Nam Việt Nam. Vì thế, tôi không thể nhận giải thưởng này. Tôi chỉ có thể “xem xét” nhận giải thưởng khi Hiệp định Paris được tôn trọng, chiến tranh ngừng lại và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam”.

Từ năm 1974, Quy chế của Quỹ Nobel quy định rằng, giải thưởng không được trao sau cho người đã mất, trừ khi người đó qua đời sau khi công bố giải thưởng Nobel. Sau thông báo về Giải thưởng Nobel về Sinh học và Y học năm 2011, người ta phát hiện ra rằng, một trong những người đoạt giải Y học là Ralph Steinman, đã qua đời 3 ngày trước đó. Hội đồng Quỹ Nobel đã kiểm tra các quy chế và kết luận, Ralph Steinman nên tiếp tục là người đoạt giải Nobel, vì Hội đồng Nobel không biết về cái chết của ông.

Các tranh cãi

Trong các giải thưởng Nobel, có lẽ Nobel Văn chương là giải có nhiều tranh cãi nhất. Sau khi ca sĩ kiêm nhạc sĩ Bob Dylan được trao giải năm 2016, các nhà phê bình đặt vấn đề, liệu ông có xứng đáng nhận được giải thưởng đáng mơ ước này, hay liệu các bài hát của ông có thể được coi là văn học hay không. Bob Dylan là ca sĩ kiêm nhạc sĩ đầu tiên giành được giải thưởng danh giá này, nhưng ông im lặng nhiều tuần sau khi giải thưởng được công bố và từ chối xuất hiện ở buổi lễ trao giải tại Stockholm vào tháng 12-2016.

Nhà viết kịch và nghệ sĩ biểu diễn Dario Fo, người Italy, đoạt giải Nobel Văn học năm 1997 cũng gây tranh cãi. Trong khi Viện Hàn lâm Thụy Điển ca ngợi Dario Fo vì đã “mô phỏng những kẻ pha trò thời Trung cổ trong việc trừng trị chính quyền và đề cao phẩm giá của những người bị áp bức”, thì rất nhiều nhà văn khác không thể chấp nhận được ý tưởng rằng, giải Nobel Văn chương nghiêm túc lại dành cho nhà văn trào phúng. Một số chuyên gia văn học đã rất kinh ngạc và thừa nhận, họ chưa bao giờ nghe nói đến Dario Fo, trong khi nhiều nhà văn nổi tiếng hơn vẫn chưa nhận được giải thưởng. Khi nhận giải, ông Dario Fo thú nhận, mình cũng ngạc nhiên như bao người khác.

Ngày 9-11-1922, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã bỏ phiếu trao cho nhà bác học Albert Einstein giải Nobel Vật lý năm 1921 vì “những đóng góp của ông cho vật lý lý thuyết, và đặc biệt là cho việc khám phá ra định luật về hiệu ứng quang điện”. Quyết định này đã gây ra thắc mắc trong nhiều thập niên, nhất là về lý do loại bỏ thuyết tương đối của Einstein trong công bố trao giải. Sự hiểu biết của các thành viên Ủy ban giải Nobel Vật lý về thành tựu khoa học, những ưu tiên của riêng họ và động lực của họ đều ảnh hưởng đến kết quả thực tế.

Tin cùng chuyên mục