Hạt gạo nhỏ bé, trắng trong luôn gắn liền đời sống mỗi người dân Việt. Hạt gạo là nguồn lương thực chính và kết tinh vào đời sống văn hóa tinh thần của bao người. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hạt gạo đã được “biến hóa” thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Trong một lần tham dự hội thảo về nghệ thuật Ấn Độ cổ, cô gái trẻ sinh năm 1990 Nguyễn Thị Ngọc Thảo đã mê mẩn tranh gạo. Từ đó, Ngọc Thảo đã dày công tìm tòi, sáng tạo dòng tranh gạo thương hiệu Việt. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật công nghiệp Trường Đại học Văn Lang TPHCM, Ngọc Thảo đã mạnh dạn đầu tư đưa tranh gạo đến với công chúng.
Ban đầu, khi tranh gạo còn mới mẻ và lạ lẫm, Ngọc Thảo làm tranh chỉ để tặng bạn bè và giới thiệu trên mạng. Sau khi được nhiều người biết đến, Ngọc Thảo đầu tư hẳn một cửa hàng để trưng bày và sáng tác tranh. Ngọc Thảo cho biết, những hạt gạo được chọn làm tranh phải đồng nhất về hình dạng và không bị bể. Từ những họa tiết được thiết kế sẵn, gạo được xếp đều nhau và kết dính bằng một loại keo đặc biệt để tạo nên một bức tranh gạo hoàn chỉnh. Sau đó, bề mặt tranh gạo được phủ một lớp sơn bảo vệ để không bị phai màu.
Đặc biệt, Ngọc Thảo không hề sử dụng hóa chất nhuộm gạo mà dùng nhiệt, rang gạo với thời gian và nhiệt độ khác nhau để tạo màu. Đến nay, Ngọc Thảo đã có bí quyết tạo đến 24 màu sắc khác nhau cho hạt gạo. Chia sẻ về bí quyết này, Ngọc Thảo cho biết: “Với 30 phút rang gạo, tôi có thể tạo màu trắng đục, 35 phút cho màu vàng nhạt, 7 tiếng đồng hồ cho màu đen…”.
Không chỉ phát triển tranh gạo, hiện nay Ngọc Thảo còn đưa gạo vào đồ nội thất, đèn ngủ, đồng hồ, quà lưu niệm, vật trang trí…
Với những sáng tạo tuyệt vời từ hạt gạo, cửa hàng tranh gạo Ngọc Thảo (127 Bà Huyện Thanh Quan, P.9, Q.3, TPHCM) luôn là điểm đến để sinh viên ngành mỹ thuật có thể thực tập, thỏa sức sáng tạo tác phẩm mới. Từ đây, hạt gạo được biến tấu sinh động thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
HOÀNG TUẤN