Tạ muối bằng tô phở

Diêm dân miền Trung đang tất bật vào chính vụ thu hoạch muối với thông tin giá cả không hề sáng sủa. Giá muối năm nay ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, hiện có nơi giá bán chỉ 250 đồng/kg.

Diêm dân miền Trung đang tất bật vào chính vụ thu hoạch muối với thông tin giá cả không hề sáng sủa. Giá muối năm nay ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, hiện có nơi giá bán chỉ 250 đồng/kg.

Tại thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), dưới ruộng muối, diêm dân lầm lũi thu hoạch từng mẻ muối trắng phau, còn ở trên bờ, những ụ muối cao chót vót, trắng lóa nằm san sát nhau chờ bán. Vậy nhưng, giá muối thủ công và kể cả muối công nghệ trải bạt năm nay tiếp tục giảm từ 20% - 30%.

Nếu như ở Khánh Hòa, diêm dân bán muối thủ công với giá 300 - 400 đồng/kg, thì ở “thủ phủ” muối của cả nước là Ninh Thuận, giá muối còn thê thảm hơn khi người dân chỉ bán với giá 250-300 đồng/kg, thấp nhất cả nước vào thời điểm này. Đã vậy, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua muối thông báo họ còn tồn hàng chục ngàn tấn muối.

Nghề làm muối một thời thăng hoa, nhưng nay lại là nghề cực nhọc, bấp bênh. Cách đây gần chục năm, diêm dân miền Trung quay cuồng vì nghề muối liên tiếp thất bát, hàng trăm hécta ruộng muối tại nhiều nơi nhanh chóng chuyển đổi qua nuôi tôm. Bởi khi ruộng muối tích nước mặn, chỉ có nuôi tôm là phù hợp nhất. Cứ tưởng con tôm sẽ cứu vớt người làm muối sau nhiều năm thất bát. Nào ngờ, chỉ vài năm sau đó, tôm cũng mắc bệnh và chết liên tục nên nhiều hộ nuôi trắng tay. Không còn cách nào khác, họ lại quay về bám bíu với nghề cũ.

Có bờ biển dài và có gần nửa số tỉnh, thành trong cả nước có biển, Việt Nam có nhiều thế mạnh về sản xuất muối. Thế nhưng, hàng năm Bộ Công thương lại cho hạn ngạch nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn muối. Riêng năm 2015, bộ này cho nhập đến 102.000 tấn muối. Lý giải điều này, Bộ Công thương cho rằng DN trong nước hạn chế về công nghệ, sản xuất trong nước không đủ phục vụ công nghiệp mà đa phần chỉ có muối tiêu dùng. Còn theo đại diện một DN, thì việc sản xuất muối công nghiệp, muối chất lượng cao chi phí khá cao, do đó, dù hiện nay nhiều DN trong nước có công nghệ hiện đại để sản xuất muối nhưng còn e dè, chưa làm đại trà nên lượng muối chất lượng cao vẫn cứ phải nhập khẩu, kéo theo đó là một lượng muối trong nước dư thừa.

Một đại diện của Bộ Công thương cho rằng, DN Việt Nam còn ỷ lại vào nhà nước, bình chân như vại trước yêu cầu đổi mới để hội nhập. Vậy nên, hiện nay chúng ta đứng trước thực trạng vừa thừa nhưng vừa thiếu muối.

Mỗi năm đến mùa thu hoạch muối là diêm dân như ngồi trên lửa, hóng chờ giá muối từ các DN thu mua. Theo lý giải của nhiều DN thu mua muối, giá muối năm nay giảm do lượng muối tồn từ năm trước khá nhiều. Nhưng giá muối tụt dốc trong chính vụ đã xảy ra nhiều năm liền chứ không phải một hai vụ mùa gần đây.

Trước thực trạng này, chính quyền một số tỉnh miền Trung khuyến cáo diêm dân thay đổi công nghệ làm muối thủ công bằng muối trải bạt để bán với giá cao, ít bị ép giá. Nhưng chuyển đổi công nghệ cần khoản vốn không nhỏ, diêm dân lại không có tích lũy vốn nên rất khó. Giải pháp được đưa ra, trong đó khả quan nhất là kêu gọi sự hỗ trợ của các ngân hàng. Tuy nhiên, khi diêm dân gõ cửa, các ngân hàng hầu như không “hé mở” vì họ nhận thấy nghề muối lắm rủi ro. Còn hộ tìm được vốn chuyển đổi công nghệ, nay đau đầu hơn khi giá muối công nghệ trải bạt cũng giảm không phanh theo muối thủ công.

Cách đây không lâu, trước cảnh khó khăn của diêm dân, Chính phủ ban hành chủ trương hỗ trợ thu mua muối cho dân, để ít nhất mỗi diêm dân đều có lãi khoảng 300 đồng/kg muối, giúp họ bám trụ được với nghề trước khi có một giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, chủ trương này khi về các địa phương, do triển khai không đồng bộ nên “đứt gánh giữa đường”. Hiện diêm dân đang rất cần một phép màu để họ không còn phải nhói lòng khi tạ muối chỉ bằng tô phở.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục