Lúc 14 giờ ngày 3-9, kênh HTVC Thuần Việt sẽ phát sóng tác phẩm sân khấu “Tả quân Lê Văn Duyệt”với sự tham gia của nhiều diễn viên.
"Tả quân Lê Văn Duyệt" (Tác giả: Phạm Văn quý; đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), với sự góp mặt của NSND Thế Anh, Quyền Linh, Trịnh Kim Chi, Cát Tường, Hoàng Duẩn, Anh Tuấn, Mai Dũng, Quách Cung Phong, Diễm Trinh…) được coi là vở diễn đầu tiên đưa hình tượng và cuộc đời đầy sóng gió, hào sảng của vị Tả quân Lê Văn Duyệt lên sân khấu.
Vở diễn quy tụ gần 100 diễn viên tham gia với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Đây là tác phẩm sân khấu lịch sử từng được Nhà hát Kịch TPHCM công diễn phục vụ công chúng yêu kịch thành phố vào năm 2008.
Vở kịch xoay quanh câu chuyện khi Tả quân được gọi về Triều, Vua Minh Mạng mang bà cung nhân Nguyễn Thị Phận bắt Tả quân phải cưới làm vợ. Vốn không thể lấy nhưng trước tình thế của mình, Tả quân đành phải tổ chức đám cưới, trong sự dè bỉu của các quan trong triều. Sau lễ đón dâu, Tả quân được bà Phận thuyết phục trong sự hoà hợp của hai số phận trớ trêu cần phải sống dựa vào nhau để cứu nhân độ thế.
Khi Tả quân vào chầu cùng với Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu tấu trình tình hình biên cương luôn bị dòm ngó bởi giặc ngoại bang. Trước tài thao lược của vị tướng tài, Vua Minh Mạng đã cử Tả quân Lê Văn Duyệt làm Thống Tướng,
Trong khi Lê Văn Duyệt bị giữ lại ở Huế thì Huỳnh Công Lý được Vua cho cai quản Sài gòn - Gia định và 6 trấn Diên An. Vì Huỳnh Công Lý bất tài, tham nhũng khiến cho muôn dân oán than, bất bình, kéo đến dinh đưa đơn khiếu kiện, Tả quân không kịp cởi áo giáp, bèn mở cuộc điều tra.
Qua cha con người hát xẩm và hàng chồng đơn kiện cộng với việc Lê Văn Khôi báo tin gạo muối của quân đội cũng bị cắt xén và lính tuần phòng bắt được hai tàu chở đầy đồ quý giá mà Huỳnh Công Lý bán cho thương lái Phương Tây nên Tả quân đã cho bắt giữ hắn.
Lúc bấy giờ, ngoài triều đình Huế, Vua được các quan báo tin Tả quân bắt Huỳnh Công Lý, rồi Huệ Phi vào kích bác việc Tả quân coi thường Vua dám bắt cha mình, khiến Vua vô cùng giận dữ, sai xứ giả mang chiếu chỉ vào Gia Định giải cứu Lý.
Trước sự căm phẫn của lòng dân, Tả quân đã cho chém đầu Huỳnh Công Lý để trấn an dân chúng và thuận theo ý dân, giữ gìn kỷ cương phép nước. Để rồi sau đó dù đã qua đời nhưng ông vẫn phải chịu những bản án nặng nề…