Tác giả cải lương Phạm Văn Đằng: Mang mùi vị cuộc sống vào trang viết

Để gắn bó với nghề sáng tác trên sân khấu cải lương, tác giả Phạm Văn Đằng đã trải qua hành trình theo đuổi nghệ thuật nhiều gian nan, trắc trở. “Tài sản” của anh hiện có khoảng 600 bài ca cổ, tân cổ giao duyên, gần 100 vở tuồng ngắn, dài được sáng tác và chuyển thể cải lương, đáp ứng nhu cầu phát sóng của các đài truyền hình, phát thanh, biểu diễn sân khấu, các nghệ sĩ làm MV, album ca cổ…

* PHÓNG VIÊN: Từng hai lần thi vào trường nghệ thuật không thành, anh đã chạm ngõ nghề sáng tác như thế nào?

* Tác giả PHẠM VĂN ĐẰNG: Quê tôi ở Vị Thanh, Hậu Giang. Từ nhỏ, tôi thường được ba mở cho nghe các tuồng cải lương của soạn giả Yên Lang, Loan Thảo (Quế Chi)… có nghệ sĩ Mỹ Châu hát. Tôi nghe và ca theo, mê lắm.

Năm 1999, tôi thi vào Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TPHCM cùng chuyên ngành song ngữ Nga - Anh Trường Đại học KHXH-NV TPHCM và thi rớt trường nghệ thuật. Học chuyên ngành Nga - Anh 2 năm, tôi lại thi vào trường nghệ thuật và tiếp tục... rớt.

Tôi đăng ký học dự thính, thấy vui quá nên bỏ luôn “công trình” 2 năm học Đại học KHXH-NV TPHCM. Nhưng rồi học đến năm 2, tôi mới thấy mình không hợp với biểu diễn. Những lúc rảnh, tôi tập sáng tác các bài ca cổ, tân cổ giao duyên, tiểu phẩm cho các anh chị thi tốt nghiệp.

Các bài ca, tiểu phẩm của tôi được thầy cô khen, là động lực đưa tôi vào con đường viết lách. Năm 2005, duyên đến, tôi được giới thiệu làm việc cùng tác giả Võ Tử Uyên của Đài Truyền hình TPHCM, sáng tác bài ca Mùa thanh long, phát sóng trên HTV.

* Khởi đầu với nghệ thuật nhiều trắc trở, điều gì khiến anh gắn bó với nghề đến hôm nay?

* Sau bài Mùa thanh long, tôi cộng tác thêm với đài truyền hình các tỉnh thành, sáng tác nhiều tác phẩm ca cổ mới và càng viết, tôi càng mê. Năm 2016, Nhà hát Tây Đô mời tôi về cộng tác. Thời gian này, thu nhập eo hẹp, không đủ trang trải cuộc sống nên tôi dạy thêm tiếng Nhật tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP Cần Thơ…

Mãi đến năm 2018, tham gia cùng ê kíp vở Thầy Ba Đợi chào mừng 100 năm sân khấu cải lương, tôi tìm được hướng phát triển mới nên trụ lại TPHCM. Năm 2019, tôi về Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, được cô chú, anh chị quan tâm, tạo điều kiện, tin tưởng đặt hàng sáng tác thường xuyên, giúp phát huy tay nghề, đời sống cũng dần ổn định.

* Hẳn anh đã chiêm nghiệm được nhiều điều qua những tháng ngày bôn ba?

* Tôi nghiệm ra rằng, những gian nan thử thách cho tôi nếm trải đủ mùi vị cuộc sống, để tôi có cái nhìn cuộc đời sâu sắc hơn, từ đó trải rộng trong trang viết. Vốn sống ấy rất quý giá. Hiện tại các đoàn nghệ thuật hoạt động không nhiều, mỗi năm các đơn vị chỉ dựng 1-2 vở, khiến “đầu ra” cho tác phẩm gặp khó. Tôi mong có một CLB Tác giả trẻ sân khấu, sinh hoạt thường xuyên để bổ sung kiến thức, trao đổi chuyên môn và nâng cao nghiệp vụ. Song song đó, cần có một sân khấu để tổ chức dàn dựng vở mới - tạo “đầu ra” cho tác phẩm.

* Tác phẩm sân khấu cải lương hiện nay dường như khó tiếp cận với công chúng trẻ, anh có tiêu chí sáng tác riêng?

* Khi sáng tác, tôi luôn đau đáu viết như thế nào cho phù hợp, hấp dẫn, tác phẩm có nhận được sự ủng hộ, có đến gần khán giả trẻ không. Hiện nay, nhiều bạn trẻ không mặn mà với cải lương và tôi nghĩ cũng không thể trách các bạn.

Thực tế, người làm nghệ thuật cũng cần xem lại sản phẩm mình có đáp ứng được nhu cầu của các bạn chưa? Cần thực hiện các nghiên cứu xã hội học để có những đánh giá khách quan về nhu cầu của khán giả trẻ với sân khấu truyền thống. Hơn hết, để cải lương đến với khán giả trẻ, họ phải thấy được hình ảnh của mình trong đó, phản ánh cuộc sống thực tại, về con người, xã hội đương đại ở góc nhìn đa dạng…

Tôi rất thích viết về đề tài lịch sử vì muốn bên cạnh việc bảo tồn nghệ thuật sân khấu cải lương, chúng ta phải nhắc người đương thời lẫn hậu thế để ghi nhớ công lao của thế hệ tiền nhân đã xây dựng và bảo vệ đất nước. Đề tài lịch sử cũng đáp ứng cho một lượng khán giả trẻ muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc qua tác phẩm sân khấu. Với tác phẩm chính sử, bằng phương pháp nghệ thuật của mình, tôi sẽ lồng ghép vào đó các vấn đề hấp dẫn, đủ mềm mại, trữ tình đúng chất cải lương.

* Để đẩy mạnh phát triển công việc hiện tại và tương lai, anh có dự định gì?

* Tôi đang ôn luyện tiếng Nhật, học văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, để có thể thông tin cho khán giả là du khách quốc tế. Tôi nỗ lực hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa TPHCM với hy vọng sau này sẽ tham gia công tác giảng dạy, truyền lửa và truyền tải kiến thức về nghệ thuật sân khấu cho sinh viên, để các bạn gần gũi hơn, thêm yêu hơn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tác giả Phạm Văn Đằng sáng tác khoảng 600 bài ca cổ, tân cổ giao duyên, được sử dụng trong nhiều chương trình sân khấu, truyền hình, phát thanh, đờn ca tài tử, trong các cuộc thi Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, Giải thưởng Trần Hữu Trang, Liên hoan Cải lương toàn quốc... và gần 100 vở tuồng ngắn, dài, có thể kể như: Nguyễn Hữu Cảnh, Thầy Ba Đợi, Chuyện của Dung, Sống mãi với non sông, Câu hò đất mẹ, Lê Văn Duyệt, Đất thiêng, Anh hùng thành Nam...

Anh còn tham gia chương trình Chuyện xưa tích cũ của Đài Truyền hình TPHCM, Hòa điệu đất chín rồng của VTV Cần Thơ, viết kịch bản quay hình Giọt máu chung tình cho hãng phim Bình Minh...

Tin cùng chuyên mục