Tác giả - tác phẩm và khán giả

Những ngày đầu tháng 5, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức hội thảo “Tác giả và khán giả”, đặt ra vấn đề chất lượng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm sân khấu phục vụ công chúng hiện nay, mối liên kết giữa tác giả - tác phẩm - khán giả, sự lấn át của các game show hài nhảm, kém chất đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính định hướng thẩm mỹ cho công chúng, hoạt động tổ chức và phát triển lĩnh vực sân khấu gặp nhiều khó khăn, đời sống và môi trường trình diễn nghệ thuật chân chính bị thu hẹp...

Những ngày đầu tháng 5, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức hội thảo “Tác giả và khán giả”, đặt ra vấn đề chất lượng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm sân khấu phục vụ công chúng hiện nay, mối liên kết giữa tác giả - tác phẩm - khán giả, sự lấn át của các game show hài nhảm, kém chất đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính định hướng thẩm mỹ cho công chúng, hoạt động tổ chức và phát triển lĩnh vực sân khấu gặp nhiều khó khăn, đời sống và môi trường trình diễn nghệ thuật chân chính bị thu hẹp...

Tại hội thảo có 2 tham luận và hơn 10 ý kiến đóng góp thể hiện những bức xúc, trăn trở của các NSND, NSƯT, các tác giả, nghệ sĩ, nhà văn, đại diện Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và các sân khấu kịch xã hội hóa: IDECAF, Phú Nhuận, Family…

Từ hội thảo, những vấn đề về sân khấu lần lượt được đưa ra bàn thảo, trong đó, các đại biểu bức xúc nhất là vấn đề quản lý - kiểm duyệt các vở diễn của các sân khấu luôn được thực hiện nghiêm túc; trong khi các chương trình truyền hình, game show lại buông thả cả về nội dung và hình thức trình diễn, không hề đem lại được những giá trị nghệ thuật đích thực đến với người xem, chưa kể nhiều chương trình chỉ nặng tính thương mại, có nội dung dung tục, xô bồ, lố lăng, kém thẩm mỹ, hoàn toàn không gửi gắm được những thông điệp giá trị về đời sống tinh thần, tư tưởng nghệ thuật cần thiết đến khán giả.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch IDECAF bày tỏ bức xúc: “Trong các chương trình hài kiểu truyền hình thực tế hiện nay, diễn viên gần như không cần kịch bản, muốn nói gì thì nói, nên nội dung không chỉ vô bổ, nhảm nhí mà nhiều lúc còn dung tục. Có thể nhận định rằng, chính các chương trình kiểu này đã dần kéo thị hiếu khán giả đi xuống, bản thân các nghệ sĩ tham gia chương trình cũng tự làm giảm đi giá trị của chính mình trong hoạt động nghề. Với hiện trạng như thế, Sở VH-TT cũng như Hội Sân khấu cần phải có tiếng nói và hành động mang tính trách nhiệm, mạnh mẽ, kiên quyết hơn”.

Một sự quan tâm lớn khác chính là mối liên kết giữa các tác giả - tác phẩm và các sân khấu kịch xã hội hóa hãy còn giữ một khoảng cách khá xa. Điều này khiến cho tác phẩm của các tác giả - ra đời từ các trại sáng tác do hội tổ chức, không có cơ hội tiếp cận thị trường, đến với người xem. Không ít tác phẩm từ các trại sáng tác ra đời xong là cất trong tủ, không thể đầu tư dàn dựng vì không phù hợp với tiêu chí của các sân khấu kịch xã hội hóa.

Sự “lệch pha” giữa các tác phẩm ra đời từ trại sáng tác với nhu cầu thực tiễn của thị trường - các sân khấu tư nhân lâu nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Từ đây, thêm một vấn đề đặt ra là tác giả phải xác định tác phẩm của mình sáng tác phải đáp ứng được cho đối tượng nào, sân khấu nào, để tự tìm đầu ra cho tác phẩm.

Ngoài ra, vấn đề tác phẩm chất lượng phải được trả công xứng đáng, đạo diễn dàn dựng tác phẩm và các nghệ sĩ biểu diễn phải có trách nhiệm chuyển tải khéo léo và hấp dẫn nội dung của tác phẩm nguyên bản, để đem đến cho khán giả những tác phẩm sân khấu vừa mang đậm giá trị, tư tưởng nghệ thuật, có tính giải trí và định hướng thẩm mỹ cao, việc xây dựng một thế hệ khán giả kế thừa, vai trò - trách nhiệm của Hội Sân khấu và Sở VH-TT trong việc hỗ trợ các sân khấu kịch xã hội hóa trong hoạt động tổ chức biểu diễn… cũng được nhiều nghệ sĩ bàn thảo, trăn trở.

Ban tổ chức hội thảo bước đầu đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, những trăn trở, lo lắng, bức xúc của các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà văn… về vấn đề thực trạng sân khấu hiện nay trong đó đặt nặng vai trò chủ chốt của người tạo nên tác phẩm nghệ thuật - tác giả, ê kíp chuyển tải tác phẩm đến với khán giả và chính khán giả - những mắc xích quan trọng góp phần tạo nên không gian sống đa sắc của lĩnh vực sân khấu nghệ thuật.

Từ đây, Hội Sân khấu sẽ có những nghiên cứu để đưa ra những biện pháp thiết thực, trao đổi và đề xuất thêm với đơn vị quản lý văn hóa là Sở VH-TT để có những hoạt động hỗ trợ kịp thời cho các tác giả, các sân khấu xã hội hóa trong vấn đề tìm kiếm và quảng bá những tác phẩm hay, chất lượng đến với công chúng.

Hội thảo lần đầu tiên này cũng mở ra một dự án 3 tháng hội sẽ tổ chức hội thảo một lần nhằm lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến đóng góp của những người làm nghề để có những kế hoạch, biện pháp giải quyết, hành động thực tiễn, góp phần làm thay đổi ngày càng tốt hơn hoạt động tổ chức biểu diễn và phát triển lĩnh vực sân khấu hiện nay tại TPHCM.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục