Trong thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ thầy thuốc tắc trách, mổ nhầm, cắt nhầm, đã gây ra những tổn thất, thiệt hại lớn cho người bệnh. Trong đó, đau xót nhất là vụ 3 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa viêm gan B ngày 20-7 tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị). Theo kết luận điều tra, nguyên nhân do nhân viên tiêm chủng đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung Oxytocin tiêm cho 3 cháu bé. Dư luận thực sự giật mình lo ngại về tình trạng có những thầy thuốc tắc trách, thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Chị Hứa Cẩm Tú (ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đã phải sống khổ sở suốt hơn một năm rưỡi nay vì bị bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cắt nhầm cùng lúc cả 2 quả thận trong lúc mổ nội soi thận trái ứ nước hồi đầu tháng 12-2011. Rồi đến chuyện bệnh nhân Hồ Thị Phấn (60 tuổi, ngụ tại xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có dị vật ở chân trái lại bị bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Cai Lậy mổ nhầm chân phải.
Ngày 25-10-2012, bệnh nhi Trần Anh Đức (29 tháng tuổi) bị Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) cắt nhầm gần hết bàng quang trong ca phẫu thuật khắc phục thoát vị bẹn. Chẳng gì có thể bù đắp được nỗi đau, sự thương tổn này đối với một đứa trẻ bé bỏng. Ngày 26-9-2013, bệnh nhân Trần Ngọc Thạch (25 tuổi, ngụ tại phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) bị tai nạn gãy tay phải, nhưng kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi lại bó bột tay trái. Càng kỳ lạ hơn, khi phát hiện đã bó nhầm tay, kỹ thuật viên đã bó lại tay phải cho anh Thạch nhưng cũng không tháo bột đã bó tay trái bệnh nhân.
Những chuyện tắc trách nêu trên đến mức không thể tin được, nhưng đó lại là chuyện có thật, là nỗi buồn của ngành y tế nước nhà. Lẽ ra anh Trần Ngọc Thạch đã được bó đúng tay cần bó, cháu bé Trần Anh Đức sẽ không bị cắt gần hết bàng quang, chị Hứa Cẩm Tú không bị mất 2 quả thận, bà Hồ Thị Phấn không bị mổ nhầm chân phải lành lặn, 3 trẻ sơ sinh không phải vắn số… nếu như những y sĩ, bác sĩ kia có lương tâm nghề nghiệp hơn.
Mỗi một bệnh nhân khi nhập viện đều có hồ sơ bệnh án rõ ràng, nên sự nhầm lẫn như thế là không thể chấp nhận, liên quan đến mạng người chứ không phải chuyện đùa. Do vậy, cơ quan quản lý ngành y, từng bệnh viện liên quan cần phải mổ xẻ tìm ra vì sao có chuyện nhầm lẫn tai hại như thế trong những ca mổ, để trị tận gốc, chứ không để nó trở thành bệnh di căn.
Khi vào bệnh viện, bệnh nhân luôn đặt niềm tin rất lớn vào các thầy thuốc làm nhiệm vụ cứu người. Khẩu hiệu thân thiện “Chúng tôi ở đây là để giúp bạn vượt qua bệnh tật” được đặt khá trang trọng ở những khoa phòng tại các bệnh viện, cần phải được thể hiện nghiêm túc. Đã đến lúc nên xem chuyện “nhầm” của bác sĩ là thiếu trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, để xử lý theo luật, chứ không thể cứ để sau những sự cố “nhầm” ấy thì chỉ bị kỷ luật, cảnh cáo một cách đơn giản rồi cho qua. Bởi nhầm lẫn trong y tế là tai họa. Chỉ xin bác sĩ đừng nhầm!
VÕ MINH HUY (Quảng Ngãi)