Tài chính bền vững cho bóng đá

Thay vì trông đợi vào túi tiền và các khoản chi khá mơ hồ từ các doanh nghiệp sở hữu, các CLB cần tập trung khai thác nguồn tiền tài trợ và bản quyền. Đây là căn cơ, là nền tảng tồn tại của bóng đá chuyên nghiệp.

Vụ việc tranh chấp liên quan đến quyền lợi nhà tài trợ giữa Công ty VPF - đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - và CLB HA.GL kịp lắng xuống ngay trước thời điểm khai mạc V-League 2023 thông qua sự nhượng bộ của các bên, đặc biệt là 2 thương hiệu tài trợ. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa hoàn toàn khép lại, vì rõ ràng, các nhà tài trợ cũng đã chịu thiệt hại từ những việc mà họ không trực tiếp tham gia. Dù đây là việc chưa có tiền lệ nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh bóng đá Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc, tốn thêm các chi phí pháp lý hay thậm chí là đưa ra nhiều ràng buộc, chế tài hơn nếu như muốn tài trợ cho bóng đá.

Xét trong bối cảnh nền tảng tài chính của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rất yếu thì vụ việc vừa qua còn để lộ ra hàng loạt bất cập, thậm chí là rất lỏng lẻo trong một phần việc vô cùng quan trọng, mang tính cốt lõi, đó là khâu quảng cáo, tài trợ. Như giai đoạn Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tài trợ độc quyền V-League nhưng các CLB như SHB Đà Nẵng, Navibank Sài Gòn hay Kienlongbank Kiên Giang vẫn quảng cáo thương hiệu ngân hàng trên áo; nghĩa là không thiếu các tiền lệ, hoặc dấu hiệu của sự xung đột quyền lợi, nhưng để tình trạng kéo dài dẫn đến tranh chấp như hiện nay thì rõ ràng các nhà quản lý điều hành đã thiếu khả năng dự báo, cách làm việc không chuẩn về pháp lý và khi giải quyết vấn đề cũng nặng về cảm tính.

So với 20 năm trước, số lượng CLB dự V-League chỉ tăng thêm 2, trong khi mục tiêu là phải 16-18 đội. Các CLB dự V-League đều là cổ đông của Công ty VPF, nên dù là các pháp nhân độc lập, thì những thực thể này đều không cạnh tranh nhau. Ngược lại, nếu có một đội bóng nào phải ngưng thi đấu vì thiếu tài chính, các đội còn lại đều bị ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp, vì số lượng trận đấu giảm đồng nghĩa nguồn thu giảm. Chuyện xung đột quyền lợi là không nên xảy ra dù là lỗi từ phía nào.

Vụ việc giữa HA.GL và VPF cho thấy một chi tiết: sự nhún nhường của 2 nhà tài trợ khẳng định V-League có sức hút nhất định để buộc các bên phải duy trì việc chi tiền thay vì bỏ ngang để tìm kênh quảng bá khác. Thực tế thì dòng tiền đổ vào bóng đá, nhất là ở cấp đội tuyển đang tăng lên mỗi năm, trong khi đó, V-League cũng vừa có hợp đồng bán bản quyền truyền hình rất có giá trị, mở ra một không gian mới trong việc khai thác quyền lợi này, nôm na là kiếm thêm tiền. Như vậy, các cánh cửa để đi sâu vào bóng đá nhà nghề đã được mở ra, mang đến triển vọng giải quyết vấn đề căn bản, tồn tại bấy lâu nay là tài chính ở cấp CLB. Thay vì trông đợi vào túi tiền và các khoản chi khá mơ hồ từ các doanh nghiệp sở hữu, các CLB cần tập trung khai thác nguồn tiền tài trợ và bản quyền. Đây là căn cơ, là nền tảng tồn tại của bóng đá chuyên nghiệp. Qua đó, cũng đóng góp nguồn thu thuế, tạo công bằng xã hội.

Tuy nhiên, muốn kiếm tiền thì phải hoàn thiện các yếu tố pháp lý, chẳng hạn: Các văn bản về trách nhiệm, nghĩa vụ của những thành viên tham gia “cuộc chơi bóng đá” đã hoàn chỉnh chưa? Hợp đồng kinh tế, những quy định về thương mại và đặc biệt là thiết chế bản quyền hình ảnh liệu đã đầy đủ và phù hợp hay không? Trong trường hợp tranh chấp, thì phân xử theo cấp thẩm quyền nào, tòa kinh tế hay một cơ quan trọng tài thể thao riêng biệt?

Để có một nền tảng tài chính vững giúp CLB tồn tại, phải thay tư duy “xin tiền” bằng tư duy kiếm tiền. Mà việc trước tiên là từ CLB cho đến cơ quan quản lý và bản thân những nhà tài trợ, các doanh nghiệp làm bóng đá phải được tiếp cận dễ dàng những quy định, ràng buộc pháp lý để tránh tình trạng phải “ngậm bồ hòn” rồi sau mùa giải lại rút lui không hẹn gặp.

Tin cùng chuyên mục