Tái cơ cấu ngành chăn nuôi

ĐBSCL là một trong những vùng chăn nuôi chủ lực của cả nước, tuy nhiên thời gian qua, hàng loạt hộ chăn nuôi gặp khó khăn bởi giá cả sụt giảm và khó tiêu thụ. 
Hiện các ngành chức năng đang nỗ lực tìm đầu ra cho đàn heo quá lứa ngày càng tăng, đồng thời tìm giải pháp cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng bền vững… 
Người nuôi khốn đốn
Tiền Giang là địa phương có số lượng đàn heo nhiều nhất ở ĐBSCL, với hơn 700.000 con/năm; những ngày qua, hàng loạt hộ nuôi heo ở Tiền Giang đứng ngồi không yên vì giá heo sụt giảm thê thảm.
Ông Nguyễn Văn Minh, hộ nuôi heo quy mô lớn ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (Tiền Giang) than thở: “Đàn heo thịt và heo giống của gia đình tôi lên đến 1.700 con tiêu thụ khó khăn. Mấy ngày nay, thương lái chỉ mua heo hơi với giá 22.000 - 25.000 đồng, người nuôi lỗ te tua. Vậy mà muốn bán cũng khó”.
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi ảnh 1 Tỉnh Tiền Giang mở nhiều điểm bán thịt heo sạch phục vụ người dân
và giải cứu người nuôi heo… Ảnh: HUỲNH LỢI
Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 42.688 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó hộ gia đình chiếm tỷ lệ hơn 94%, số lượng heo chiếm 58%; cơ sở nuôi quy mô từ 50 con trở lên chiếm tỷ lệ gần 6%, số lượng heo chiếm 42%.
Từ tháng 4-2017 đến nay, giá heo giảm sâu khiến người nuôi chịu lỗ từ 6.000 - 12.000 đồng/kg. Do lỗ nặng, nhiều hộ đã tạm dừng nuôi, treo chuồng vì hết vốn cầm cự… tình hình vô cùng khó khăn. Đối với những hộ nuôi quy mô lớn, nuôi lâu năm thì cố gắng duy trì chuồng trại và con giống có sẵn, nhưng gặp khó trong tiêu thụ. Từ đó, dẫn đến số lượng heo còn tồn đọng khá lớn.
Theo thống kê mới nhất, đàn heo thịt và heo nái của tỉnh đã giảm khoảng 30% so với thời điểm tháng 10-2016, ước tổng đàn hiện nay còn khoảng trên 501.100 con.  
Tại Đồng Tháp, nhiều hộ nuôi heo cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông Trần Văn Hùng, ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành ngao ngán: “Vùng này chuyên làm bột, nuôi heo và xem nghề này là kinh tế chủ lực. Những năm trước giá heo cũng có khi tăng, khi giảm, nhưng lần này là giảm mạnh nhất và kéo dài nhất; vì vậy, đẩy người nuôi vào con đường lỗ nặng và không ít hộ phải tạm ngưng nuôi do kiệt sức”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, đàn heo của tỉnh dao động khoảng 370.000 con/năm. Từ khi heo sụt giá dưới 30.000 đồng/kg đến nay thì người nuôi chịu lỗ từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tạ. Hiện thời có khoảng 52.000 con heo tới thời điểm xuất chuồng nhưng chưa bán được, khiến người nuôi vô cùng lo lắng.
Nỗ lực tìm đầu ra
Cấp bách tìm đầu ra cho đàn heo đang được các ngành chức năng ở ĐBSCL thực hiện. Song, một điều khá nghịch lý là trong lúc hàng loạt hộ nuôi heo bị lỗ, heo tới lứa khó bán… thì những thương lái lại lời to. Qua khảo sát của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang ở các chợ huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công, TP Mỹ Tho…, sau khi trừ chi phí đầu vào, lợi nhuận của thương lái đạt khoảng 1,2 triệu đồng/con heo hơi có trọng lượng 100kg (trong đó, tư thương kinh doanh heo hơi lời 350.000 đồng và tư thương kinh doanh thịt heo tại chợ lời 850.000 đồng/con). Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến người tiêu dùng không mặn mà với thịt heo, từ đó đầu ra của sản phẩm thịt heo gặp khó.
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang nhìn nhận: “Từ mâu thuẫn trên cho thấy, việc liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ heo còn rất lỏng lẻo. Thực tế đàn heo ở Tiền Giang lớn nhưng vẫn còn nuôi dạng nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, dẫn đến giá thành cao và luôn gặp trục trặc trong tiêu thụ. Việc phân phối lợi ích giữa người nuôi với thương lái, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, con giống… chưa đồng đều; trong đó, người nuôi luôn chịu thiệt. Những hạn chế này cần nhanh chóng khắc phục”. 
Trước mắt, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh và các ngành liên quan đề xuất các khu công nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp có đông công nhân, lực lượng công an, quân đội… hỗ trợ tiêu thụ thịt heo giúp người nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngành công thương phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã… mở các điểm bán thịt heo sạch phục vụ rộng rãi người tiêu dùng; kêu gọi thương lái nâng giá mua heo hơi trong dân và giảm giá bán heo thịt xuống mức vừa phải để tăng số lượng tiêu thụ, chia sẻ khó khăn cùng người nuôi…
Kiến nghị các ngân hàng xem xét khoanh nợ, không phạt lãi quá hạn và tiếp tục cho vay để người nuôi khôi phục lại đàn heo. Về lâu dài, tỉnh tính toán không tăng thêm số lượng đàn heo; chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng nuôi tiêu chuẩn GAP, giảm chi phí giá thành tăng sức cạnh tranh…  
Tại Long An, nơi có đàn heo dao động khoảng 260.000 - 300.000 con/năm, hiện Sở Công thương và Sở NN-PTNT tỉnh này phối hợp với các doanh nghiệp lớn ở TPHCM tiêu thụ nhanh số lượng heo tới lứa. Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, con giống, thuốc thú y… từ đó giảm nuôi nhỏ lẻ, đẩy mạnh nuôi quy mô lớn, nuôi sạch, nhằm tăng chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… 

Tin cùng chuyên mục