
Dự án ổn định dân cư ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 43 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng. Sau 2 năm triển khai, khu dân cư đã hoàn thành với dãy nhà 200 căn cùng kiểu dáng, kích cỡ, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng để bà con có thể sử dụng ngay. Hộ chị Tăng Thị Sà Vượng rất vui khi được ở nhà mới, bởi khu dân cư có đường bê tông nối liền ra đường lớn nên hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp thị tận nơi.

Nhà tái định cư ở ấp Trà Sết
Điểm nổi bật của dự án này là tái định cư nhưng không gây xáo trộn, không ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của cư dân. Trong 200 căn nhà, có 168 hộ đã vào ở, còn 38 căn đã bình xét xong, chọn đủ chủ hộ. Đa số là cư dân ở ấp Trà Sết và ấp Giồng Nổi của xã Vĩnh Hải, trong đó có 199 hộ dân tộc Khmer, 1 hộ dân tộc Hoa. Phần lớn những hộ nghèo, cận nghèo ở đây không có đất hoặc rất ít đất sản xuất, sinh kế của bà con là làm thuê công nhật cho các chủ rẫy hoặc cơ sở sơ chế hành tím; lúc rảnh việc thì ra biển theo con nước bắt cá tôm để cải thiện thêm. Khu dân cư bố trí gần chỗ lao động nên bà con đi lại thuận tiện, ai cũng hài lòng.
Dự án ổn định dân cư các hộ dân tộc thiểu số ấp Trà Sết là chương trình có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm và đây là dự án có mức đầu tư lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Mức hỗ trợ cho mỗi hộ là căn nhà trị giá 35 triệu đồng, đất sản xuất 3.000m², ngoài ra còn đầu tư hệ thống điện, nước sạch vào tận nhà, nâng cấp trạm y tế, trường mẫu giáo, xây mới trạm cấp nước tập trung… Thành công của dự án này sẽ là hình mẫu cho những chương trình tái định cư mà tỉnh đang tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương để triển khai trong thời gian tới.
Ông Lý Sóc Kha, Phó Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ban Dân tộc tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương phát huy những mô hình hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống thời gian qua, chú trọng nhất là nguồn vốn lồng ghép trong việc hỗ trợ như: Mô hình nuôi dê ở huyện Long Phú, nuôi bò thịt ở Trần Đề, nuôi bò sữa ở Mỹ Tú, trồng màu ở Thạnh Trị… Hiện chúng tôi đang tập trung củng cố các mô hình có hiệu quả để nhân rộng ở các địa phương khác”.
Mục tiêu cao nhất trong công tác dân tộc ở Sóc Trăng là thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy ý chí tự lực tự cường của mọi người để nâng cao hiệu quả các nguồn hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
TRỌNG DANH