Tái định vị không gian phát triển công nghiệp, công nghệ

Hậu đại dịch Covid-19, diễn tiến của cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột quân sự Nga - Ukraine đã buộc các tập đoàn đa quốc gia phải cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng khả năng thích ứng, chống chịu trước những nguy cơ dịch bệnh và xung đột.

Việt Nam không là ngoại lệ, lại đang được đánh giá là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn.

TPHCM lại là “vườn ươm sáng tạo” cho hầu hết các lĩnh vực mới, có tính công nghệ cao của cả nước trong nhiều năm qua. Trong tình hình các nhóm ngành thuộc kinh tế chủ lực của thành phố đã ở ngưỡng “khủng hoảng trưởng thành” thì việc vừa duy trì có chọn lọc (những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ) các ngành - nghề lợi thế vừa sớm điều chỉnh trên quy mô chiến lược, tiến tới việc xây dựng phát triển công nghiệp thành phố gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, rà soát chuyển đổi công năng cục bộ hay toàn phần của một số khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tri thức và dịch vụ có giá trị gia tăng cao - các đề án do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đang chủ trì là lựa chọn có tính tất yếu, mở ra giai đoạn tái định vị về cấu trúc ngành kinh tế lẫn thị trường của thành phố.

Và “cuộc hôn phối” giữa Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (Chip Design Center - SCDC) và Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC) thành Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center - ESC) là bước đi có tính nền tảng, một sự “dọn đường” để nắm lấy cơ hội, nắm bắt thị trường. Nó mở đầu cuộc tái định vị với 2 ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn vốn là tiềm năng của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng. Một khi đã xác định rõ vị thế và nỗ lực từng bước để đạt tiêu chí cạnh tranh, Việt Nam cần có cách tiếp cận đột phá là đi thẳng vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm điện tử và thiết kế chip, sáng tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam (Make in Vietnam) có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước hướng đến xuất khẩu.

Để thực hiện cách tiếp cận này, chúng ta cần phải phát triển được nguồn nhân lực trình độ cao cả về số lượng và chất lượng trên cơ sở kết hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Như các đề xuất mang tính định hướng từ lãnh đạo Chính phủ và thành phố: từ mở mới và mở rộng quy mô đào tạo bậc đại học, sau đại học đối với các ngành đào tạo trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn và các ngành đào tạo liên quan đến xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở các nước phát triển, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon; từ xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đến hình thành mới và đầu tư tăng cường các trung tâm, viện nghiên cứu chuyên ngành trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn.

Việc hợp nhất 2 đơn vị bộ phận thành một trung tâm trực thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM có tính đầu mối quốc gia tại khu vực phía Nam đã thúc đẩy sự gắn kết giữa doanh nghiệp và đại học, hỗ trợ cho các đại học, trường đại học, các viện nghiên cứu trong triển khai các chương trình đào tạo lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn. Cùng với đó, bước hợp tác - hỗ trợ của 2 nhà đầu tư là Công ty Synopsys và Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics, mà việc đánh giá vị trí gần các nhà đầu tư chiến lược (như Intel) đã định giá cho cuộc hợp nhất thông minh, bền vững này.

Tin cùng chuyên mục