Tai nạn lao động - Đâu chỉ do rủi ro

Gần đây, trên cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương rất nhiều người.
Tai nạn lao động - Đâu chỉ do rủi ro

Gần đây, trên cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương rất nhiều người.

  • Con số đáng ngại

Qua thông tin trên báo chí, có thể đọc thấy rất nhiều tin về các vụ tai nạn lao động thương tâm trong 3 tháng qua: 1 thợ sơn bị điện giật chết; 1 công nhân chết do nổ mìn khai thác đá; sập giàn giáo cao ốc, nhiều người bị thương; 1 công nhân chết vì rơi từ tầng 6, 2 công nhân nguy kịch vì bị rơi từ tầng 5 khi lau cửa kính; 1 bảo vệ chết vì rơi xuống hầm; bị cuốn vào máy bơm, 1 thợ hàn chết thảm; bị đá rơi trúng đầu, 1 công nhân chết tại chỗ; thang chuyền rơi từ tầng 14, 2 công nhân chết tại chỗ; vỡ van hồ xả nước, 4 công nhân chết; công nhân ngủ quên bị nghiền trong máy; rơi từ tầng 6, một công nhân chết thảm…

Đa số người lao động bị tai nạn trong lúc làm việc là những công nhân xa quê, có hoàn cảnh hết sức khó khăn, có người bản thân là lao động, trụ cột chính trong gia đình.

Rất phổ biến tình trạng công nhân làm việc trên cao nhưng không có bảo hộ và sử dụng dây treo an toàn. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Rất phổ biến tình trạng công nhân làm việc trên cao nhưng không có bảo hộ và sử dụng dây treo an toàn. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), tai nạn lao động tại Việt Nam có xu thế tăng nhanh từ 3.405 vụ năm 2000 lên 5.307 vụ năm 2010. Số vụ tử vong do tai nạn lao động cũng tăng từ 406 trường hợp năm 2000 lên tới 601 trường hợp năm 2010. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số được báo cáo chính thức với các cơ quan liên quan.

Trên thực tế, chắc chắn còn rất nhiều trường hợp tai nạn lao động và tử vong do tai nạn lao động xảy ra tại nơi làm việc có quy mô nhỏ hơn chưa được báo cáo. Bộ LĐTB-XH đưa ra dự báo giai đoạn 2010-2015 mỗi năm sẽ có khoảng 170.000 người bị tai nạn lao động với 1.700 người chết, gây thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng.

Khi xảy ra tai nạn lao động, thường những người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp, thân nhân người bị tai nạn và cả bản thân người lao động đều cho rằng do xui rủi, không ai mong muốn. Nhưng thực tế hầu hết các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đều do lỗi chủ quan của con người, trong đó lỗi về yếu tố kỹ thuật mất an toàn trong lao động có thể thấy được và phòng ngừa hậu quả.

  • Nhiều nguyên nhân

Các vụ tai nạn lao động sập giàn giáo công trình xây dựng mới đây ở TPHCM và Hà Nội làm nhiều công nhân chết và bị thương đã một lần nữa cảnh báo những tiềm ẩn, nguy cơ cao về mất an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng có độ cao, cũng như việc không đảm bảo an toàn về kỹ thuật khi thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sử dụng và tháo gỡ giàn giáo cho công nhân làm việc trên cao tại công trình xây dựng.

Hiện nay, tại các công trình xây dựng nhà cao tầng, rất phổ biến tình trạng công nhân làm việc trên cao nhưng không trang bị và sử dụng dây treo an toàn. Trong khi đó, hệ thống giàn giáo được lắp đặt rất sơ sài, tùy tiện. Nhiều nhà thầu xây dựng công trình dân dụng vẫn còn sử dụng giàn giáo là những thanh tre, thanh gỗ, tấm ván… được gắn kết chồng chéo với nhau một cách thiếu khoa học và vô cùng nguy hiểm, có thể đổ ngã bất cứ lúc nào, nên khó tránh khỏi xảy ra tai nạn lao động.

Thế nhưng hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật về an toàn lao động vẫn không nghiêm cấm việc sử dụng các loại giàn giáo “dân gian” này.

Một nguyên nhân khác góp phần gây ra tai nạn lao động là bố trí công việc cho người lao động không đúng với chức danh nghề được đào tạo, huấn luyện (đặc biệt là những công việc nặng nhọc, nguy hiểm…), hoặc không tổ chức huấn luyện, hướng dẫn công tác an toàn lao động cho bản thân người lao động trước khi vào làm việc…

Một thực tế tại các doanh nghiệp tư nhân là bản thân người sử dụng lao động cũng còn rất thờ ơ với công tác an toàn lao động. Việc sử dụng, bố trí lao động hoặc chế độ kiểm tra định kỳ hàng quý, hàng tháng, công tác huấn luyện an toàn lao động thường là việc làm đối phó khi có cơ quan, đoàn thanh tra, kiểm tra nhà nước đến làm việc.

Công tác an toàn lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động được làm tốt hay không không chỉ là các biện pháp kỹ thuật, quy trình kỹ thuật hay là các biện pháp chế tài nghiêm khắc của nhà nước, mà còn là cái tâm của chính người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm của mình với công nhân. 

MINH VŨ

Tin cùng chuyên mục